TRUYỀN THỐNG KHOA BẢNG Ở HỘI AN VÀO THỜI NGUYỄN

​Hội An nguyên là danh xưng của địa danh cấp xã, nay là danh xưng của đơn vị hành chính thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Hội An trong lịch sử đã là một thương cảng quốc tế sầm uất ở Đàng Trong, một thương cảng nổi bậc của miền Trung Việt Nam trong thế kỷ XIX – đến đầu thế kỷ XX rồi trở thành đô thị hành chính cấp tỉnh của Quảng Nam từ khi Thực dân Pháp đặt tòa Công sứ Quảng Nam ở Hội An đến năm 1945. Trong hành trình phát triển của Quảng Nam, người dân Hội An đã cần cù lao động, sáng tạo, linh hoạt, mạnh dạn trong nghề nghiệp, kinh doanh, đầu tư tri thức, đóng góp vào hoạt động chính trị qua nhiều triều đại. Với giới hạn của một bài viết, chúng tôi xin giới thiệu một số thông tin tư liệu thể hiện truyền thống khoa bảng ở Hội An trong triều Nguyễn, đóng góp nhiều vào sự phát triển của tỉnh Quảng Nam.
Khoa cử và xuất thân giúp đời là quan niệm truyền thống của Nho học, được áp áp dụng xuyên suốt các triều đình phong kiến. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu Gia Long, một trong những việc làm đầu tiên là vua Gia Long ra chỉ dụ về khoa cử: “Khoa mục là con đường bằng phẳng của học trò, thực không thiếu được, phải nên giáo dục thành tài rồi sau mới thi Hương, thi Hội lần lượt cử hành thì người hiền tài sẽ nối nhau lên giúp việc” (9:256). Sau đó, vua Minh Mệnh cũng chỉ rõ: “Đặt ra giáo chức là để rèn luyện nhân tài, dự trữ làm người hữu dụng trong nước. Người nhận chức ấy, khuôn phép rất là quan trọng”(6: 87, 180). Qua một số chỉ dụ trên cho thấy khoa bảng – khoa cử, học gắn với hành luôn là vấn đề được triều đình phong kiến xem trọng, là mục tiêu của bao lớp người, ở mọi địa phương, nhất là trong giới thanh niên.
Theo đó, ở Hội An, cũng có nhiều người đã xác định khoa cử để lập nghiệp, cống hiến cho xã hội. Vào thời Nguyễn, ở Hội An có 4 vị đỗ đại khoa là 1 Tiến sĩ, 3 Phó bảng (chúng tôi sẽ giới thiệu cụ thể ở phần truyền thống quan trường) và 11 Cử nhân.
I. Các vị đỗ Phó bảng và Tiến sĩ
1. Phó Bảng Nguyễn Tường Vĩnh: Mộc bản triều Nguyễn ghi Hán tự, được dịch nghĩa là “Nguyễn Tường Vĩnh 阮祥永 Phó bảng (Anh em cùng đăng khoa) sinh năm: Kỷ Mùi (1799). Quê quán: Cẩm Phố, Diên Phước, Quảng Nam. Đỗ Cử nhân khoa thi năm Đinh Dậu (1837). Đỗ Phó bảng năm 40 tuổi. Làm quan tới chức Tuần phủ Định Tường. Ông là anh của Tam giáp Nguyễn Tường Phổ” (2: 19,43). Ông được con cháu tộc Nguyễn Tường mô tả “Tính ngài hiền lành, chẳng tranh với người. Suốt ngày vui vẻ… ngài ưa yên tĩnh, giản dị mà sâu sắc, nên chọn trung chính, lòng không hề đổi. Mọi người đều khen ngài là bậc hiền. Ngài nhậm chức tại Định Tường 7 năm, thời tiết thuận hòa, mùa màng tươi tốt, dân được yên ổn đầy đủ” (12:41 -43)[1].  
2. Phó bảng Trần Ngọc Giao: Tại khối Lâm Sa, phường Cẩm Phô hiện đang bảo tồn ngôi mộ của tham tri Bộ binh Trần Ngọc Dao, thuỵ là Trang Khải. Ông sinh năm 1799, đỗ Phó bảng (Phó bảng Trần Ngọc Giao không được ghi danh trong tác phẩm Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục nhưng được đề cập trong Quốc sử quán triều Nguyễn (2007): Đại Nam Thực lục, tập 2, trang 381, Viện Sử học biên dịch, NXB Giáo dục) tại khoa thi Kỷ Sửu (1829), tiền nhân của ông là người gốc phủ Tuyền Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và vào khoảng thế kỷ XVII sang Đại Việt mưu sinh, làm đồ thau thiết ở làng Mậu Tài, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, đã có một số vị tộc Trần ở làng Mậu Tài - Phú Vang vào lập nên làng Mậu Tài làm nghề thau thiết ở Hội An. Ông làm quan vào đời vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị, trải qua nhiều chức vụ quan trọng là Binh bộ tham tri kiêm Đô sát viện, Tham tri Bộ lễ, Phó Hữu đô ngự sử, tuần phủ Định Tường đẳng sứ địa phương, Đề đốc quân vụ kiêm lý lương hướng, thuỵ Trang Khải Trần hầu chi mộ. Tham tri bộ Binh Trần Ngọc Giao mất năm Thiệu Trị thứ 4 - 1844, hàm Tòng Nhị Phẩm, thuỵ hiệu là Cáo thụ Trung Phụng đại phu (10).
3. Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ: Mộc bản triều Nguyễn ghi Hán tự, được dịch nghĩa là “Nguyễn Tường Phổ 阮祥溥 Sắc ban đệ Tam giáp (Đồng Tiến sĩ xuất thân) T 21 (Anh em cùng đăng khoa) Sinh năm: Đinh Mão (1807). Quê quán: Cẩm Phố, Diên Phước, Quảng Nam. Đỗ Cử nhân khoa thi năm Tân Sửu (1841). Đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân năm 36 tuổi. Làm quan, chức Tri phủ; bị giáng chức, sau được bổ chức Giáo thụ, quyền Đốc học. Ông là người chính trực, không ham thăng tiến, chỉ lấy văn thơ, chén rượu làm vui. Người đời ví ông như Đào Bành Trạch. Ông là em của Phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh” (2: 201,202).
4. Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu: Tài liệu mộc bản triều Nguyễn ghi Hán tự, được dịch nghĩa là “Nguyễn Duy Hiệu 阮惟 Phó bảng Sinh năm: Đinh Mùi (1847). Quê quán: Thanh Hà, Diên Phước, Quảng Nam. Đỗ Cử nhân khoa thi năm Bính Tý (1876). Đỗ Phó bảng năm 33 tuổi. Làm quan tới chức Hồng lô Tự khanh… (2:29). Năm 1882, ông được bổ làm Giảng tập, hàm Tứ phẩm - Hồng lô tự khanh, dạy học cho Hoàng tử Ưng Đăng, sau là vua Kiến Phước. Một thời gian sau, ông viện cớ mẹ già ở chốn quê nhà không ai chăm sóc nên cáo lão về quê để lo tròn chữ hiếu. Khi vua Hàm Nghi xuất bôn, ra chiếu cần Vương, ông hưởng ứng chiếu Cần Vương và vào tháng 9/1885 ông cùng Tiến sĩ Trần Văn Dư lập Nghĩa hội Quảng Nam, sơn phòng Dương Yên – Trà My (4) để kháng Pháp. Tiến sĩ Trần Văn Dư bị quân Pháp bắt, sát hại cuối năm 1885, ngay sau đó, cụ Nguyễn Duy Hiệu làm Hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam, xây dựng căn cứ ở Trung Lộc (xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn) thành lãnh địa có doanh trại, quân binh hùng mạnh, hào lũy, kho tàng, văn miếu, bãi tập, nhà lao, pháp trường, đồng ruộng. 
Từ Trung Lộc, chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo Nghĩa hội đánh trả nhiều cuộc tấn công của giặc Pháp, quân triều đình và tiến công vào các đồn quân Pháp, các thành trong tỉnh (5)… Ở Hội An, các vị Trần Trung Tri, Lương Như Bích, ông Tuy, ông Nhạc… cũng đã tham gia, lãnh đạo Nghĩa hội. Trước sự lớn mạnh của Nghĩa hội, tháng 9/1887, triều đình Huế cùng quân Pháp tập trung lực lượng mở các đợt tấn công lớn vào căn cứ Trung Lộc. Mặc dầu đã chống trả quyết liệt, anh dũng, nhưng với sự chệnh lệch về lực lượng và phương tiện chiến đấu nên quân nghĩa quân đã chịu nhiều tổn thất. Các cụ Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến quyết định: giải tán nghĩa hội để tránh tù đày cho các thành viên nghĩa hội, cụ Phan Bá Phiến uống thuốc tự vận, cụ Nguyễn Duy Hiệu về quê nhà Thanh Hà (Hội An) từ biệt mẹ già, báo quan rồi ông bị quân triều đình bắt, giải về kinh đô Huế, xử chém vào Trung thu năm Đinh Hợi (1887). 
Untitled 1
DSCN9548
Khổng Tử miếu và Đài kỷ niệm danh nhân chí sĩ Quảng Nam, số 122 và 161 đường Trần Trần Hưng Đạo, khối Tu Lễ, phường Cẩm Phô  - Nơi thờ Khổng tử và tôn vinh truyền thống hiếu học, khoa bảng Quảng Nam
II. Các vị đỗ Cử nhân 
Về 11 vị đỗ cử nhân được Cao Xuân Dục mô tả trong Quốc triều Hương khoa lục (1) như sau: 
1. Trần Văn Tú,  đỗ cử nhân khoa Quý Dậu (1813) (ông quê xã Cẩm Đăng (?), huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn, nay thuộc thành phố Hội An, được bổ vào Cống sĩ viện, làm Tri huyện ở hai huyện Bình Sơn và Chân Định, năm 1820, giữ chức Lang trung bộ Hộ);
2. Nguyễn Văn Điển, đỗ cử nhân khoa Kỷ Mão (1819) (về tiểu sử sẽ được đề cập ở phần truyền thống quan trường – người viết chú thích). Ông sinh năm 1791, tự là Tam Lễ, thụy là Trang Lượng, đổ cử nhân năm Kỷ Mẹo, thời Gia Long (năm 1819), làm quan, dốc sức cống hiến cho nhân dân, triều đình qua 3 đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (đến năm 1852) với nhiều chức vụ, tiêu biểu là: Đổng lý xây dựng lăng miếu Đông và Xương lăng ở kinh đô Phú Xuân - Huế vào năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), Tổng đốc Nam Định, Hưng Yên, Đổng lý thanh tra Bộ Hộ và Bộ Hình, Tham tri Bộ Binh Ông mất vào năm Nhâm Tý (Tự Đức ngũ niên - 1852) khi công cán tại Hải Dương, được Vua truy phong là Tư Thiện đại phu, Thượng tri, Thượng khanh, Thượng thư Bộ binh. Sự đức độ, gần dân của ông Nguyễn Điển được thể hiện rất rõ qua văn bia khắc trên mộ ông do Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, ngọn cờ đầu phong trào Cần Vương đất Nam Định đề bút là “...Xem như: Ngài chế đài Nguyễn Tướng Công, ôn hòa độ lượng, mát mẽ như gió thoảng xa nên khoa thế 3 quốc triều ta, đấng hiền tài sớm đạt, trải hoạn đồ hơn 30 năm… Xử sự tròn mà thông suốt nên việc không ứ đọng, thận kính mà giản đơn nên người người đều thân mến... Quan cai trị mà đến với dân để cổ lệ sĩ phu như nắng mùa đông và bóng mát mùa hạ... Nếu không phải có đức độ chân thật thì làm sao được tốt như vậy... ” (10). Ông Nguyễn Văn Điển có cha là Nguyễn Văn Yến làm chức Thư ký Bắc Thành, Hàn Lâm Viện thị giảng học sĩ vào thời Gia Long, được phong Triều Liệt Đại phu, ban tên thụy là Đoan Lang (10). 
3.Trương Tăng Diễn, đỗ cử nhân khoa Ất Dậu (1825), (ông quê xã Minh Hương, huyện Diên Phước, nay là phường Minh An, thành phố Hội An, ông làm quan tới chức Tri huyện);
 4. Hoàng Kim Côn, đỗ cử nhân khoa Quý Mão (1843) (ông quê xã Kim Bồng, huyện Duy Xuyên, nay thuộc xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, làm quan tới chức Huấn đạo);
5. Nguyễn Văn Tuyển, đỗ cử nhân khoa Đinh Mùi (1848) (ông quê xã Thanh Hà, huyện Diên Phước, nay thuộc xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ông giữ chức Thủ ấn Đổng lý đại thần, Án sát Hà Nội. Thân phụ của ông là Nguyễn Văn Điển) (10). 
6. Trương Hoài Phác, đỗ cử nhân khoa Giáp Tý (1864), (ông tự là Thế Nho, sinh năm Mậu Thân (1848). Quê làng Minh Hương, tổng Phú Triêm, nay thuộc phường Minh An, thành phố Hội An.. Làm Tri phủ Thanh Oai. Năm 1890 vì có quan hệ với văn thân Nghệ Tĩnh nên bị giáng chức, sau được bổ Tri huyện. Ông qua đời năm 1901 tại Hội An).
7. Huỳnh Toản, đỗ cử nhân khoa Đinh Mão (1867) (ông quê xã Kim Bồng, huyện Duy Xuyên, nay là xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, làm quan tới chức Tu soạn).
8. Mai Dần, đỗ cử nhân khoa Giáp Thân (1884) (ông quê xã Cẩm Phô, huyện Diên Phước, nay là phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam).
9. Trương Đồng Hiệp, đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ (1894) (ông hiệu là Thuấn Phu, sinh năm Đinh Tỵ (1857), quê xã Minh Hương, nay thuộc phường Minh An, thành phố Hội An, làm chức Giáo thụ, nổi tiếng viết văn bia cho làng Minh Hương tại Hội An và các làng lân cận).
10. Nguyễn Tấn Cung, người xã Thanh Châu, huyện Hòa Vang.
11. Nguyễn Tự,người xã Thanh Châu Nhâm (trích theo nguyên văn), huyện Hòa Vang.
Hội An cũng có một số lượng lớn các vị đỗ Tú tài nhưng chúng tôi sẽ giới thiệu trong những bài viết khác với các thông tin đầy đủ hơn. 
Đôi lời kết: 
Nhìn chung, truyền thống khoa bảng ở Hội An trong triều Nguyễn là một trong nhiều nội dung minh chứng cho sự đóng góp của người và đất Hội An trong lịch sử phát triển Tỉnh Quảng Nam. Các nhà khoa bảng đã đều xuất thân, đóng góp nhiều công sức cho quan trường, xã hội không chỉ ở Quảng Nam và nhiều địa phương trong cả nước, ở cả chính quyền trung ương triều Nguyễn. Hội An đã một số vị khoa bảng là thượng thư bộ Binh (tương đương với Bộ trưởng Bộ quốc phòng hiện nay), tham tri bộ Binh, nhiều vị quan của bộ binh và nhiều vị quan có kiến thức uyên thâm đã được bổ làm nhiệm vụ giảng dạy cho hoàng tử, huấn đạo, đốc học… Các vị đều có hành trạng tốt và có tinh thần đấu tranh yêu nước, đây là một điều cần nhấn mạnh trong truyền thống thuần hậu của người Hội An. 
Ghi chú:
[1]. Hiện nay, tại số 8/2 Nguyễn Thị Minh Khai có di tích Nhà thờ tộc Nguyễn Tường - di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh, dân gian gọi là Dinh Ông. Đây là nơi thờ các cụ Nguyễn Tường Vĩnh, Nguyễn Tường Phổ và cụ Nguyễn Tường Vân là cha của hai vị khoa bảng vừa kể trên và cũng là người khai sáng ra tộc Nguyễn Tường - một tộc họ có nhiều đóng góp trong thời kỳ đầu triều Nguyễn của nước ta. Tiên tổ của tộc Nguyễn Tường làng Cẩm Phổ hiện nay là Nguyễn Tường Vân, ông sinh năm 1774, mất năm 1820. Tư liệu lưu trữ của dòng họ Nguyễn Tường, phần hành trạng cụ Nguyễn Tường Vân có đoạn: “Ông Tổ ta họ Nguyễn, Húy Mô, là người xã Đệ Dương, huyện Bồng Sơn, phủ Vi Nhân. Ông Cố Nguyễn Tường Huấn trốn tránh loạn Tây Sơn, bèn đưa cả gia đìng vào ở xã Mỹ Hội, huyện Tân Bình, phủ Gia Định mà sinh sống… Năm sau (1796) (ông) thi đỗ Tam trường   … Đinh Tỵ năm thứ 18 (1797), (ông) tòng chinh ở cửa biển Quảng Nam, Đà Nẵng…”(12: 37). Tháng 04 năm 1803, ông được ban chiếu thăng chức Quảng Nam dinh Cai bạ, bắt đầu sự nghiệp quan trường ở Quảng Nam, có lẽ đây là thời gian đánh dấu sự định cư ổn định, hình thành gia tộc Nguyễn Tường ở Hội An. Năm 1809, vì cấp dưới tự tiện thả tù, dung túng cho quân đánh bạc nên cụ Nguyễn Tường Vân bị giáng làm Thiêm sự. Sau đó, ông tiếp tục nỗ lực công cán nên thăng tiến, được sắc ban chức Thượng Thư Bộ Binh, tước Nhuận Trạch Hầu vào năm Minh Mệnh nguyên niên (1820). (8) năm 1820 cũng là năm cụ Nguyễn Tường Vân qua đời.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cao Xuân Dục (2001): Quốc triều hương khoa lục của, Nxb Lao động, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây; Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919) của Ngô Đức Thọ (chủ biên).
2. Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (2021): Khoa bảng Trung bộ và Nam Trung bộ qua tài liều mộc bản triều Nguyễn, Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật.
3. Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (2010): Mục lục Châu bản triều Nguyễn, tập 1, Gia Long (1802 - 1819), Hà Nội: NXB Văn hóa - Thông tin.
4. Tống Quốc Hưng (2012): Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu, hoianheritage.net.
5. Mai Hồng Lâm: Nguyễn Duy Hiệu - Với việc xây dựng tân tỉnh Trung Lộc ở Nông Sơn, nguồn: nong son.quang nam.gov.vn.
6. Nội các triều Nguyễn (2013): Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, T.3.
7. Phạm Ngô Minh - Trương Duy Hy (2007): Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn (1601-1919),Hà Nội: NXB Văn nghệ. 
8. Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đại Lộc (2020): Lý lịch di tích mộ Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân.
9. Quốc Sử quán triều Nguyễn (2001): Đại Nam Thực lục, Tổ Phiên dịch Viện Sử học - Viện Khoa học Xã hội dịch, Hà Nội: NXB Gíao dục (tái bản lần thứ I), tập 1.  
10. Trung tâm QLBTDS Văn hóa Hội An: Lý lịch di tích Mộ chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu và Lý lịch di tích Mộ Binh bộ Thượng thư Nguyễn Văn Điển, Mộ Tham tri bộ Binh Đoàn Ngọc Giao – hoianheritage.net.
11. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2014): Di sản Hán Nôm ở Hội An, tập 1, Văn bia – Hội An.
12. Trung tâm QLBTDS Văn hóa Hội An (2016): Di sản Hán Nôm Hội An, tập 2 – Tư liệu lưu trữ của dòng họ Nguyễn Tường.
13. Trung tâm QLBTDS Văn hóa Hội An (2019): Di sản Hán Nôm Hội An tập 5 – Tư liệu lưu trữ trong các gia đình, dòng họ.
14.Trương Hoàng Vinh (2012): Hội An qua góc nhìn của cụ Huỳnh Thúc Kháng – Bài được in trong kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Thân thế và sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947) do UBND tỉnh Quảng Nam - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức, Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.
15. Trương Hoàng Vinh (2012): Châu Thượng Văn-Danh nhân thời cận đại, hoianheritage.net, Thứ sáu - 13/07/2012, 14:43.
16. Viện Viễn Đông Bác cổ: Quảng Nam xã chí – Tài liệu ghi chép khảo sát văn hóa làng xã Quảng Nam1941 – 1943 – Thư viện Quốc gia lưu trữ, bản chép tay.


 
 

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây