DI TÍCH XÓM MỒ CÔI
Chi đoàn Di sản
2023-04-05T04:31:51-04:00
2023-04-05T04:31:51-04:00
https://hoianmuseum.com/vi/thong-tin-di-san/Tin-tuc/di-tich-xom-mo-coi-36.html
https://hoianmuseum.com/uploads/thong-tin-di-san/2023_03/xom-mo-coi.gif
Bảo tàng Hội An
https://hoianmuseum.com/uploads/logo-baotang.png
* Địa chỉ: Khối Trường Lệ, phường Cẩm Châu
*Sự kiện lịch sử:
Đây là một xóm nhỏ có diện tích tự nhiên chưa đến 1km2, bao quanh là cánh đồng lúa. Trong các thời kỳ kháng chiến cho đến nay, số hộ dân sinh sống ở đây dao động khoảng từ 7 đến hơn 10 nhưng thành tích kháng chiến thì to lớn hiếm nơi nào có quy mô tự nhiên tương tự mà có được.
Trước năm 1945, người dân xóm Mồ Côi hăng hái tham gia lực lượng chính trị, cùng với Nhân dân Trường Lệ nói riêng, Hội An nói chung đánh đuổi kẻ thù, giành chính quyền thắng lợi. Vào năm 1947, buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân trong xóm tích cực đóng góp nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, tiêu biểu là phong trào chống địch cướp lúa vào đầu những năm 1950 để rồi tự gánh số lúa này xuống An Mỹ tập kết trước khi đưa vào vùng Tiên Đỏa phục vụ kháng chiến, hay tích cực tham gia vào lực lượng vũ trang Hội An, du kích địa phương để trực tiếp đánh địch…
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây với vị thế hiểm yếu cùng với tấm lòng trung kiên của người dân với cách mạng, Thị ủy Hội An xây dựng nơi đây thành một hậu cứ quan trọng. Tháng 3/1966, Thị ủy Hội An chủ trương thành lập Ban cán sự công tác nội ô do đồng chí Trương Minh Lượng - Phó Bí thư Thị ủy làm Trưởng ban và đặt cơ quan tiền phương tại xóm Mồ Côi. Từ xóm Mồ Côi, trong các vai thầy thuốc và thầy bói, đồng chí Trương Minh Lượng thường xuyên ra vào nội ô nắm bắt tình hình, xây dựng và chỉ đạo mạng lưới cơ sở hoạt động, tạo điều kiện để ta đánh nhiều trận lớn vào nội ô. Tiêu biểu là đồng chí lôi kéo được Nguyễn Cho - là lính gác ngục ở nhà lao Hội An và cũng là người con của xóm Mồ Côi. Nguyễn Cho đã cung cấp những thông tin quan trọng để ta có được phương án tấn công ít bị tổn thất nhất khi đánh vào nhà lao Hội An đêm ngày 14/7/1967.
Ngày 18/10/1967, địch bất ngờ tấn công vào trong xóm. Tình hình diễn biến quá nhanh khiến người dân cũng như lực lượng phòng vệ không kịp xoay xở. Lực lượng của quân ta lúc này dù đã cố gắng chống trả nhưng do tình thế bất ngờ, lực lượng của địch lại mạnh hơn gấp nhiều lần nên không thể cầm cự được lâu. Lúc này, đồng chí Trương Minh Lượng đang họp bàn công việc trong nhà đồng chí Nguyễn Văn Việt để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Trước tình thế nguy cấp, đồng chí Trương Minh Lượng chủ động rút lui để về căn cứ Trà Quế. Tuy nhiên, dưới làn mưa đạn của kẻ thù, đồng chí đã anh dũng hy sinh khi vừa rời khỏi xóm. Lúc này, trong nhà đồng chí Nguyễn Văn Việt đang cất giữ nhiều tài liệu mật quan trọng của Thị ủy. Nếu để số tài liệu này rơi vào tay giặc, hàng loạt cơ sở của ta ở nội ô sẽ bị lộ, tổn thất sẽ rất lớn. Quyết không để địch bắt, không để địch lấy tài liệu, đồng chí Việt đã dũng cảm đốt cháy căn nhà tranh của mình, bản thân đồng chí cũng tự thiêu cùng với số tài liệu đang cất giữ trong nhà. Sau sự kiện này, địch đã bắt toàn bộ người dân trong xóm, từ người già đến trẻ em nhốt giam trong nhà lao Hội An, một số bị đày đi nhà lao Côn Đảo. Toàn bộ nhà cửa bị địch đốt phá, vườn tược bị san bằng. Xóm Mồ Côi trở thành vùng đất trắng dân, trắng nhà. Sau khi được tự do, người dân trở về xóm sinh sống và tiếp tục đóng góp cho cách mạng. Từ năm 1969 trở đi, xóm Mồ Côi vẫn là căn cứ quan trọng để các đồng chí lãnh đạo Ban cán sự nội ô lui tới hoạt động cho đến ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng.
Trải qua các cuộc kháng chiến, xóm Mồ Côi có đến tổng cộng 10 liệt sĩ, 1 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 1 bà mẹ được phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, 3 thương binh đang được hưởng chính sách của Nhà nước.