CHIẾC ÁO KỈ NIỆM CỦA ANH HÙNG BÙI CHÁT

Hiện nay, tại Bảo tàng Hội An có trưng bày 01 chiếc áo ở vị trí trang trọng, đó chính là kỷ vật của đồng chí Bùi Chát - người anh hùng của quê hương Hội An. Chiếc áo tuy đã cũ, nhưng vẫn là hiện vật quý gợi nhắc chúng ta về sự hi sinh anh dũng, về tấm gương kiên trung của anh hùng Bùi Chát, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.
 
100 1 (6)

         Đồng chí Bùi Chát sinh năm 1925, tại xã Cẩm Hà - Thị xã Hội An (nay là Thành phố Hội An). Năm 1947, đồng chí xung phong vào đội tự vệ của địa phương, sau đó tham gia vào đội bạo động trừ gian, diệt ác của Thị xã. Đồng chí đã chiến đấu hơn 55 trận, trong đó nhiều lần đột nhập vào Trung tâm Thị xã giữa ban ngày diệt bọn tề, ác ôn, đặc biệt có trận bắt sống cả tên tỉnh trưởng. Năm 1949, địch thường xuyên cho 2 ca nô chạy trên sông Hội An - Câu Lâu bắn phá các xóm làng ven sông và đã gây nhiều thiệt hại cho nhân dân. Vì vậy, đồng chí Bùi Chát đã xung phong dẫn một tổ chiến đấu áp sát đồn hải quân Pháp ở bến chợ Hội An và dùng thuỷ lôi đánh chìm 2 chiếc ca nô, diệt 14 tên lính Pháp.
         Tháng 11/1951, đồng chí được điều về Đại đội 68 thuộc Bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và được giao làm đội trưởng Công binh. Từ đây tên tuổi của đồng chí Bùi Chát và đội công binh của đồng chí gắn liền với những trận đánh vang dội trên tuyến đèo Hải Vân. Đồng chí rất giỏi trong việc sử dụng mìn để đánh địch khi chúng lưu thông bằng tàu hoả trên đoạn đường sắt chạy qua đèo Hải Vân. Đồng chí đã phá huỷ được 3 đầu máy xe lửa, lật đổ 7 đoàn tàu, 18 toa tàu chở lính và các thiết bị, phương tiện phục vụ chiến tranh, diệt 5 xe và cùng đơn vị diệt gần 2 đại đội địch. Tháng 12/1953, đồng chí được giao nhiệm vụ đánh đoàn tàu của địch chở lính từ Đà Nẵng đi Huế. Trải qua mười ngày đêm lặn lội tới vị trí quy định, đồng chí trực tiếp chôn mìn chờ địch. Địch khôn khéo cho nhiều đoàn tàu chở đá và toa không chạy trước làm một số anh em trong tổ nóng lòng muốn đánh nhưng đồng chí vẫn bình tĩnh động viên đồng đội chờ đợi. Khi đoàn tàu chở lính và vũ khí chạy vào khu vực đặt mìn, đồng chí trực tiếp bật nút điện, mìn nổ hất cả đoàn tàu xuống chân đèo, gần 100 tên địch bị diệt. Tổ chiến đấu của đồng chí xông ra thu 300 khẩu súng các loại. Cuối tháng 5/1954, cũng đoạn đường trên, đồng chí lại đánh một trận xuất sắc, diệt 100 sĩ quan Pháp.
         Với thành tích chiến đấu trong những năm qua, đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương chiến công hạng ba và 10 lần được Tỉnh và Liên khu khen tặng là chiến sỹ thi đua của Liên khu V. Ngày 31/8/1955, đồng chí được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng Lực lượng vũ trang và đồng chí trở thành người anh hùng quân đội đầu tiên của quê hương đất Quảng.
         Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, đồng chí tập kết ra Bắc, nhưng chẳng bao lâu lại trở về miền Nam đánh Mỹ. Trên chiến trường Bình - Trị - Thiên khói lửa ác liệt, đồng chí tiếp tục lập nhiều chiến công xuất sắc, nhưng không may, vào ngày 30/7/1966, tại Cù Đinh - Quảng Trị, đồng chí đã anh dũng hy sinh. Đồng chí hy sinh để lại sự thương tiếc vô hạn của người thân và đồng đội. Thời gian rồi cũng trôi đi nhưng những chiến công của đồng chí còn vang vọng mãi và tình cảm của người vợ - Bà Nguyễn Thị Tới - dành cho đồng chí vẫn nồng nàn thắm đượm khi giữ mãi chiếc áo Pirama dài tay nền trắng, sọc đen với nhiều mảnh vá chồng lên nhau đến sau ngày Giải phóng miền Nam.
         Qua hiện vật này, chúng ta càng biết ơn, giáo dục cho thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc về sự hy sinh cao cả cho sự nhiệp giải phóng đất nước của cha anh để ngày hôm nay chúng ta được sống trong hoà bình và hạnh phúc. Phát huy truyền thống anh hùng đó, thế hệ trẻ hôm nay phải nối gót cha anh ra sức xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.
 

Tác giả: admin

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây