DI TÍCH HIỆU SÁCH VẠN SANH

* Địa chỉ: Số 76 đường Lê Lợi, phường Minh An
so do van sanh

 *Sự kiện lịch sử:
      Tháng 10/1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Hội VNCMTN) ở Hội An được thành lập và đi vào hoạt động thúc đẩy phong trào yêu nước, cách mạng phát triển ngày càng mạnh mẽ. Để mở rộng quan hệ với quần chúng và thanh niên trí thức rồi tập hợp vào đội ngũ, Hội chủ trương tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ - thể thao nhằm tuyên truyền chủ trương, đường lối hoạt động của mình, đồng thời gầy dựng cơ sở tạo cầu nối với lực lượng yêu nước, qua đó còn để gây quỹ duy trì hoạt động. Hiệu sách Vạn Sanh được ra đời năm 1928 trong hoàn cảnh đó.
  
van sanh
      Hội viên của Hội là những người đầu tư vốn và phụ trách việc mua bán. Ở đây, ngoài bán sách, báo, đồ dùng học sinh còn là đại lý vải, tơ lụa, tổ chức nhiều chuyến trao đổi buôn bán ra miền Bắc và ngược lại. Đây cũng là cách thức để Hội nắm được tình hình hoạt động của các Hội VNCMTN ở miền Bắc, tiếp nhận những tài liệu mới để tuyên truyền tại Hội An, Quảng Nam và cũng để qua mắt được tầm kiểm soát gắt gao của địch. Từ ngày mở cửa, nhiều thanh niên đến đây đọc sách, tìm hiểu kiến thức mới. Hội đã tranh thủ tuyên truyền giác ngộ được nhiều thanh niên, hướng họ đến những mục tiêu, hoài bảo lớn phục vụ cho sự nghiệp cách mạng nước nhà. Tại đây, Hội còn tổ chức in ấn truyền đơn và các tài liệu khác của cách mạng. Vì bọn mật thám giám sát thường xuyên, gắt gao nên việc in ấn thường được tiến hành ở trên gác của ngôi nhà, tổ chức cẩn trọng, có cử người cảnh giới, phía trước vẫn tổ chức bán sách bình thường. Đặc biệt, đây là nơi đầu tiên ở Hội An in ấn các bài ca cách mạng, trong đó có bài “Quốc tế ca” do Hồ Chí Minh dịch thành thơ lục bát.
      Thời gian này, Hội đã tổ chức ra đội bóng và gánh hát cải lương lấy tên là Aurore (có nghĩa là Rạng Đông). Hội đã tổ chức các trận đá bóng giao hữu, biểu diễn cải lương để tuyên truyền tinh thần yêu nước, lôi kéo, tập hợp quần chúng. Khi hoạt động của đội bóng đá và đoàn hát cải lương trở nên rầm rộ, địch ra lệnh buộc phải giải tán, ai còn nhắc đến tên Aurore sẽ bị bắt. Sự nghi ngờ của địch với địa điểm này ngày càng lớn. Vì thế đến năm 1930, hiệu sách Vạn Sanh phải đóng cửa.

 

Tác giả: Chi Đoàn Di sản

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây