DI TÍCH MỘ CHÍ SĨ NGUYỄN DUY HIỆU

* Địa chỉ: Thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà
 
so do ndh

*Sự kiện lịch sử:
Ngôi mộ là nơi yên nghỉ của chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu - một anh hùng dân tộc, một nhà yêu nước có tài, đức vẹn toàn, một thủ lĩnh tài ba đã lãnh đạo Nghĩa hội Quảng Nam chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai từ năm 1885 đến năm 1887 thể theo chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi. Đến khi không thể giữ được phong trào, Nguyễn Duy Hiệu vì bảo vệ tổ chức đã tự giao thân mình cho giặc và nhận hết tội về mình. Không thể khuất phục được người chí sĩ yêu nước, giặc đã đưa Nguyễn Duy Hiệu ra pháp trường An Hòa (Huế) hành quyết vào ngày 01/10/1887 (nhằm ngày rằm tháng Tám năm Đinh Hợi - 1887). Trên đường ra pháp trường, Nguyễn Duy Hiệu vẫn ung dung trong tư thái của một vị anh hùng và làm 2 bài thơ tuyệt mệnh lưu danh đến ngày nay.
  
mo cu ndh

Sau khi hành quyết, giặc đem thủ cấp Nguyễn Duy Hiệu về Quảng Nam bêu lên thị uy trước dân chúng. Ngày 20 tháng 8 năm Đinh Hợi - 1887, con cháu mang thủ cấp Nguyễn Duy Hiệu về an táng ở quê nhà tại vị trí ngôi mộ hiện nay. Năm 1967, mộ ông được xây cất khang trang hơn, có nhà bia, bình phong và bờ thành bao quanh. Năm 1998, các cấp chính quyền, Nhân dân Hội An và con cháu Nguyễn Duy Hiệu đại tu ngôi mộ trở nên bề thế như hiện nay.
          Ngôi mộ có mặt tiền quay về hướng Bắc, toàn bộ khuôn viên có tường rào bao bọc, diện tích khoảng 459m2. Nhìn từ hướng Bắc, phân bố không gian kiến trúc bên trong ngôi mộ chia thành 4 hạng mục xây dựng chính, từ gần đến xa lần lượt là: cổng vào, nhà bia, nấm mộ và bình phong hậu. Điểm nhấn của ngôi mộ là ở cổng vào với hình một vòng tròn ở giữa bình phong mô phỏng hình mặt trăng gợi nhớ đến ngày rằm tháng Tám năm 1887 khi Nguyễn Duy Hiệu bị đưa ra pháp trường An Hòa (Huế) hành quyết và 04 trụ biểu xây cao đề 2 câu cuối trong hai bài thơ tuyệt mệnh bằng chữ Hán của Nguyễn Duy Hiệu trước lúc ông bị hành quyết. Nội dung các câu thơ được phiên âm, tạm dịch như sau:
“Ký ngữ phù trầm tư thế giả
Hưu tương thành bại luận anh hùng”.
(Dịch nghĩa: Lời này phó thác cho đời dâu bể / Sau cuộc thành bại [mới] luận anh hùng).
Hảo bả đan tâm triều liệt thánh
Trung thu minh nguyệt bạn ngô quy”.
(Dịch nghĩa: Tấc lòng gửi đi cùng liệt thánh / Trung thu trăng sáng bạn tới chơi).
Di tích là niềm tự hào, là địa điểm giáo dục truyền thống yêu nước đầy ý nghĩa, nhất là đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Ngoài ngôi mộ, hiện con cháu còn thờ Nguyễn Duy Hiệu tại từ đường Nguyễn Duy thuộc thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà. Ngoài ra, để thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và để hình ảnh Nguyễn Duy Hiệu sống mãi với thế hệ mai sau, nhân kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng Hội An (1975 - 1995), chính quyền Thành phố đã đầu tư xây dựng khu tượng đài Nguyễn Duy Hiệu trên diện dích gần 1 héc-ta ngay trong nội thành. Bên trong khu tượng đài bố trí nhiều chi tiết kiến trúc, cây xanh, đặc biệt là tấm bia lưu niệm và tượng đài cao 4,5m khắc họa chân dung nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Duy Hiệu.
 
ndh

       Tất các các hạng mục đều toát lên nhân cách cao đẹp cũng như gợi tưởng về những chặng đường hoạt động của nhà chí sĩ yêu nước này.


 

Tác giả: Chi Đoàn Di sản

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây