DI TÍCH NHÀ BÀ THỦ KHÓA
Chi Đoàn Di sản
2023-04-05T05:25:44-04:00
2023-04-05T05:25:44-04:00
https://hoianmuseum.com/vi/thong-tin-di-san/Tin-tuc/di-tich-nha-ba-thu-khoa-23.html
https://hoianmuseum.com/uploads/thong-tin-di-san/2023_02/vuon-thu-khoa_1.gif
Bảo tàng Hội An
https://hoianmuseum.com/uploads/logo-baotang.png
* Địa chỉ: Thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim
*Sự kiện lịch sử:
Di tích này ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử thuộc giai đoạn cách mạng Tiền khởi nghĩa ở Hội An. Những sự kiện lịch sử đã diễn ra tại đây có ý nghĩa quan trọng, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh cách mạng không chỉ ở Hội An mà còn của tỉnh Quảng Nam.
Cuối năm 1941, phong trào cách mạng ở Cẩm Kim đã có sự phát triển mạnh với nhiều cán bộ, đảng viên hoạt động năng nổ và có tầm ảnh hưởng lớn đến phong trào chung của Hội An. Bước sang năm 1942, mặc dù nhiều địa phương gặp khó khăn do bị địch khủng bố gay gắt nhưng Kim Bồng (Cẩm Kim) vẫn là địa bàn khá an toàn với nhiều cơ sở đã được xây dựng vững chắc, lực lượng đảng viên lại rất trung kiên, tình hình an ninh được giữ vững. Cũng vì thế mà các đồng chí lãnh đạo của Xứ ủy và Tỉnh ủy lúc bấy giờ chọn địa phương này làm địa bàn đứng chân hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng ở Hội An và cả tỉnh. Sau khi được thành lập, Liên Tỉnh Thành ủy: Quảng Nam - Hội An - Đà Nẵng đã chọn nơi đây đặt làm cơ quan dự bị. Được sự bảo vệ và hỗ trợ tích cực của gia đình bà Thủ Khóa về địa điểm, vật chất … đã giúp cho các đồng chí lãnh đạo của Liên Tỉnh Thành ủy có điều kiện lưu trú, hội họp an toàn trong một thời gian. Cuối năm 1943, đồng chí Nguyễn Phe - Bí thư Chi bộ Kim Bồng cùng một số đảng viên mở hội nghị tại nhà bà Thủ Khóa, quyết định thành lập Thành ủy lâm thời Hội An gồm 3 đồng chí là Nguyễn Phe, Trần Tân và Võ Văn Thắng, đồng chí Nguyễn Phe được cử làm Bí thư. Việc thành lập Thành ủy lâm thời đánh dấu sự phục hồi của tổ chức đảng ở Hội An sau thời gian bị địch khủng bố.
Diễn biến tình hình trong đầu năm 1945, đặc biệt là sau khi Trung ương Đảng đề ra chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, đồng thời chỉ đạo các địa phương chuẩn bị lực lượng tiến tới Tổng khởi nghĩa, đánh đuổi quân Nhật, giành chính quyền đã thúc đẩy phong trào cách mạng ở các địa phương trong cả nước phát triển, trong đó có Hội An. Tiếp thu chỉ đạo của Tỉnh ủy, vào tháng 5/1945, đồng chí Nguyễn Phe - Bí thư Thành ủy Hội An triệu tập hội nghị Thành ủy mở rộng tại nhà bà Thủ Khóa để bàn việc thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy. Hội nghị đã nhất trí với Nghị quyết của Tỉnh ủy, xác định nhiệm vụ gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa với việc tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hiệu triệu quần chúng chuẩn bị về mọi mặt, đồng thời củng cố hệ thống mặt trận Việt Minh ở các cơ sở. Cũng tại hội nghị này, Thành ủy quyết định bổ sung đồng chí Hoàng Kim Ảnh và đồng chí Nguyễn Hàng vào Thành ủy nhằm tăng cường hơn sức mạnh lãnh đạo của Thành ủy. Sau hội nghị, công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa sắp đến diễn ra sôi nổi khắp các địa phương ở Hội An.
Bước sang tháng 8/1945, không khí sục sôi chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa ở các địa phương trên địa bàn Hội An trở nên gấp rút, khẩn trương hơn bao giờ hết. Cùng với sự chuẩn bị chung đó, vào ngày 17/8/1954, tại nhà bà Thủ Khóa, lá cờ Việt Minh cỡ lớn phục vụ cho đoàn quân khởi nghĩa được các đồng chí Lưu Quý Kỳ và Phan Trí hoàn thành trước một ngày diễn ra cuộc Tổng khởi nghĩa.