DI TÍCH RỪNG DỪA BẢY MẪU
Chi đoàn Di sản
2023-04-05T04:30:51-04:00
2023-04-05T04:30:51-04:00
http://hoianmuseum.com/vi/thong-tin-di-san/Tin-tuc/di-tich-rung-dua-bay-mau-37.html
http://hoianmuseum.com/uploads/thong-tin-di-san/2023_03/rung-dua-bay-mau.gif
Bảo tàng Hội An
http://hoianmuseum.com/uploads/logo-baotang.png
* Địa chỉ: Chủ yếu phân bố ở các thôn Thanh Nhứt, Thanh Tam, Thanh Nhì, xã Cẩm Thanh
*Sự kiện lịch sử:
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thị ủy Hội An đã chọn nơi đây làm căn cứ địa cách mạng để chiến đấu và lập nên nhiều chiến công vang dội.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng du kích địa phương đã lợi dụng địa hình kín đáo của Rừng dừa Bảy Mẫu, tổ chức nhiều trận đánh bất ngờ, đánh bại những trận càn của địch với qui mô hiện đại, có cả pháo binh, không quân yểm trợ. Nhiều lần càn quét bất thành, thực dân Pháp đã bắt Nhân dân ở các xã đến phát quang, làm trắng khu vực Rừng dừa Bảy Mẫu nhằm làm cho lực lượng vũ trang của ta không còn nơi trú ẩn. Nhưng kẻ địch đã không đạt được ý đồ, chỉ sau một thời gian, rừng dừa lại phát triển xanh tươi. Nhiều lúc, trong thế không tương xứng về lực lượng nhưng du kích địa phương đã dựa vào rừng dừa tiếp tục đánh bại nhiều trận càn của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, rừng dừa Bảy Mẫu là cái gai cần nhổ bỏ trong mắt kẻ thù. Chúng nhiều lần huy động lực lượng hùng hậu đánh phá nơi đây. Từ năm 1966, địch tổ chức nhiều chiến dịch càn quét lớn với tên gọi “Bình Thanh”. Chúng đốt nhà dân, bắt nhân dân ở khu vực tiếp giáp với rừng dừa về các khu trại tập trung nhằm thực hiện ý đồ “Tát nước bắt cá”. Trong thời điểm ác liệt này, lực lượng du kích địa phương và bộ đội thị xã đã mất đi hậu phương nên phải tự túc lương thực, thuốc men. Và một lần nữa rừng dừa Bảy Mẫu đã trở thành mái che vững chắc cho lực lượng cách mạng. Sau những trận chống càn, những lúc yên tiếng súng, bộ đội và du kích lại đánh bắt cá, tôm trong rừng dừa nước để tự túc lương thực tiếp tục chiến đấu chiến thắng quân thù. Từ những năm 1967, cho đến ngày Hội An toàn thắng, rừng dừa Bảy Mẫu đã trở thành nơi trú ẩn an toàn, nơi bảo tồn lực lượng cách mạng của thị xã Hội An, làm cho Cẩm Thanh trở thành bàn đạp quan trọng ở phía Đông để quân ta xuất kích, tiến đánh nội ô Hội An, góp phần giải phóng Hội An, kết thúc những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Là một căn cứ cách mạng, đồng thời là một chiến trường ác liệt đã tạo cho di tích này có những đặc điểm khá phong phú:
- Giai đoạn từ năm 1954 - 1964: trước năm 1960, phong trào cách mạng ở đây chủ yếu là đấu tranh chính trị hợp pháp và bán hợp pháp nên loại hình di tích phổ biến thời gian này là hầm bí mật của cán bộ, các hình thức thông tin liên lạc, … Sau năm 1960, phong trào đấu tranh ở đây chủ yếu là xây dựng, phát triển cơ sở cách mạng, tiến hành đồng khởi giành chính quyền nên loại hình di tích phổ biến thời gian này là cơ sở cách mạng, các loại hình ẩn nấp của cán bộ, địa điểm tổ chức và tiến công giành chính quyền.
- Giai đoạn 1964 - 1975: trước năm 1968, phong trào cách mạng ở đây chủ yếu là xây dựng làng chiến đấu chống lại các cuộc càn quét của địch, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền nên loại hình di tích phổ biến thời gian này là làng chiến đấu, nơi làm việc và sinh hoạt của các cơ quan thị xã, các địa điểm ghi dấu chiến công của ta,… Sau năm 1968, phong trào cách mạng chủ yếu ở đây là phát triển chiến tranh du kích, chống địch càn quét tiến lên giải phóng quê hương nên loại hình di tích phổ biến thời gian này là cơ sở cách mạng, địa điểm ghi dấu chiến công của ta,…