DI TÍCH NHÀ LAO HỘI AN
Chi đoàn Di sản
2023-04-05T04:20:55-04:00
2023-04-05T04:20:55-04:00
http://hoianmuseum.com/vi/thong-tin-di-san/Tin-tuc/di-tich-nha-lao-hoi-an-31.html
http://hoianmuseum.com/uploads/thong-tin-di-san/2023_03/nha-lao-hoi-an.gif
Bảo tàng Hội An
http://hoianmuseum.com/uploads/logo-baotang.png
* Địa chỉ: Số 240/12 đường Lý Thường Kiệt, phường Sơn Phong
*Sự kiện lịch sử:
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi chưa lâu, quân và dân Hội An cùng với quân dân miền Nam lại phải đương đầu với một kẻ thù mới tàn bạo hơn là đế quốc Mỹ. Để đàn áp phong trào cách mạng của quân và dân Hội An nói riêng, của tỉnh Quảng Nam nói chung, ngụy quyền đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có việc tiếp tục sử dụng nhà lao Thông Đăng được thực dân Pháp xây dựng trước đó để giam cầm, tra tấn, qua đó làm nhụt ý chí chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước của ta. Nhưng do hậu quả của chính sách “Tố cộng”, “Diệt cộng” mà chính quyền tay sai thực hiện từ năm 1955 làm cho số lượng tù nhân tăng cao, trong khi không gian chật hẹp của nhà lao này không còn đủ sức chứa. Vì thế từ cuối năm 1958, đầu năm 1959, ngụy quyền Quảng Nam lựa chọn khu đất ở Xóm Mới để lập nên một nhà lao mới là nhà lao Hội An, cũng thường được gọi là nhà lao Xóm Mới.
Sau khi xây dựng xong, đến tháng 6/1960, chúng chuyển toàn bộ tù nhân ở nhà lao Thông Đăng ra giam cầm ở nhà lao này. Trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 1975, nhà lao Hội An đã giam cầm hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh Quảng Nam. Tại đây, bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kiên cố để phục vụ mục đích giam cầm, tra tấn tù nhân như các hạng mục nhà giam, phòng biệt giam (xà lim), hội trường, văn phòng, … chúng còn tập trung thiết lập hệ thống bảo vệ với hàng rào, bốt gác xung quanh. Chế độ cai quản hàng ngày vô cùng khắt nghiệt, các hình thức tra tấn man rợ được sử dụng, … là những gì mà tù nhân phải chịu đựng bên trong nhà lao được núp dưới vỏ bọc của một “Trung tâm cải huấn”. Mặc dù vậy, tất cả những gì địch cố gắng thực hiện đều không khuất phục được ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của những người tù yêu nước. Những cuộc đấu tranh của tù nhân vẫn luôn diễn ra dưới nhiều thức khác nhau như: Chống chào cờ địch, đòi dân sinh, dân chủ, cải thiện bữa ăn, … đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng ở Hội An phát triển. Tại nhà lao này đã diễn ra những cuộc chiến đấu ác liệt giữa ta và địch, tiêu biểu là trận tập kích vào đêm ngày 14/7/1967 của lực lượng vũ trang Hội An phối hợp với một đơn vị thuộc tiểu đoàn 2 của tỉnh giải thoát hơn 1.000 tù nhân.
Trải qua thời gian lâu dài, đến nay nhiều hạng mục của nhà lao Hội An đã bị hư hại, xuống cấp. Tuy nhiên kết cấu của một nhà lao vẫn còn tương đối đầy đủ với những hạng mục quan trọng gồm: bót gác, trụ cổng, các dãy nhà văn phòng, phòng giam, …