NHỮNG VỊ THẦN ĐƯỢC THỜ TẠI DI TÍCH ĐÌNH HỘI AN

DSC 0140
DSC 0140

Theo tài liệu điều tra di sản văn hóa làng xã Quảng Nam 1941-1943 của Viện Viễn đông Bác cổ, phần làng Điển Hội – là làng Hội An ghi chép về lịch sử, kiến trúc của làng như sau: Đình làng nầy trước kia dựng lên từ triều Lê, nằm chính giữa đường quan (Rue Hội An). Đến năm Gia Long thứ 17 (1818), trùng tu lại có viết chữ nho trên một cái đòn tay ở giữa Đình. Tục gọi là “Xa Cò”. Đến năm Thành Thái thứ 17 (1905), nhà nước mở ra con đường (Rue Hội An) nên làng mới dời đình về bên trái của con đường ấy. Và đến năm Nhâm Ngọ (Bảo Đại 17) (1941), làng lại tu bổ đình lại và có viết chữ Nho trên xa cò trong nhà tiền đàng. Mặt tiền quay về hướng Nam. Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi chưa có thông tin cụ thể, chính xác vị trí của đình trong thời Lê. 
Theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến chung đầu năm 1947, đình Ông Voi cũng bị tiêu thổ nhưng chủ yếu ở phần mái, các phần cột, kèo, bố cục không gian mặt bằng của đình không bị hủy hoại nhiều. Sau đó, đình được tu bổ thêm vào năm 1953 (năm 1956 làm lễ khánh thành). 
Năm 1981, để có không gian làm trường mẫu giáo phường Minh An, miếu ba gian thờ Ngũ Hành, Thần Hoàng, Ba Bà bị triệt hạ, ngôi nhà mới được dựng lên tại sát cổng vào của đình, ban đầu là nhà 1 tầng, sau là nhà 2 tầng hiện đại. Tiền đình cũng bị cơi nới, ngăn chia. Năm 1981 là dấu mốc quan trọng đối chiếu biến đổi các hạng mục, chi tiết kiến trúc đình Ông Voi trước đây và hiện nay, qua đó làm cơ sở đề xuất tu bổ. Trường Mẫu giáo hoạt động đến năm 2018. Năm 2020, đình Ông Voi được triển khai tu bổ lớn và hoàn thành tu bổ vào cuối năm 2021.
Về đối tượng và bố trí thờ tự:
Có thể nói đối tượng thờ tự cụ thể tại đình khá nhiều và đa dạng, có vị là nhiên thần, có vị là nhân thần và có sự biến đổi theo thời gian. Các vị, nhóm vị Thần được thờ ở đình vào năm 1942 gồm: 1. Thái Giám Bạch Mã, 2. Tứ Vị Đại Càn Thánh nương, 3. Thành Hoàng, 4. Ngũ Hành, 5. Bà Bạch Thố Kim Tinh, 6. Bà Thu Bồn, 7. Bà Phiếm Ái. Có 22 đạo sắc phong cho các vị thần được thờ. 
Trong đó, Chủ thần là Tứ vị Đại Càn Thánh nương, Thành Hoàng được thờ để cầu tự bình yên trong làng. Các vị thần Thái giám Bạch Mã, Ngũ Hành tiên nương là những vị thần được triều đình Nguyễn ban sắc, thờ phổ biến ở các đình làng khu vực miền Trung nhằm cầu mong sự bình yên cho xóm làng. Tứ vị Đại Càn Thánh nương là thần mang yêu tố sông nước gắn liền với địa hình và đời sống đánh bắt, kinh doanh sông nước của làng Hội An. Riêng có hai vị Thần mang bản sắc tín ngưỡng Quảng Nam là Bà Bô Bô Thu Bồn và Thần Bà Phiếm Ái có thần tích phát xuất từ Đại Lộc - Quảng Nam, có liên quan đến yếu tố hỏa hoạn, nên thờ để mong cầu trừ hỏa hoạn.
- Vào năm 1942, tài liệu Viện Viễn Đông Bác cổ đã nêu ở trên, các vị thần được bố trí thờ như sau: … trên lầu (I) trong hết thờ bà Đại Càn, xuống dưới (II) là Hậu tẩm (khám để sắc thần)….Trước nhà Đông có một cái miếu chia ra ba gian. Gian giữa thờ vị Thành Hoàng (IX), gian trong (X) thờ Ba Bà (Bạch Thố Kim Tinh thần, Bô Bô Thu Bồn thần, Phiếm Ái Phu Nhân thần), gian ngoài (VIII) thờ các vị ngũ Hành. Trước miếu xây có hai con kỳ lân đá (e). Trong cửa đình (XI) độ 3 thước tây có hai trụ cờ (d). Xung quanh đình có thành vôi bao bọc. Theo như mô tả thì lúc này không có bài vị thờ Thái giám Bạch mã thần, Thổ Địa.
- Tại lầu của hậu tẩm, tại trang thờ (xây, đắp bằng gạch, vữa vôi) chính giữa lại có đắp cặp câu đối liên quan đến Phật giáo là (hiện nay không còn tượng nhưng qua câu đối ở ngai thờ chính của lầu hậu tẩm có cặp câu đối: 慈悲觀自在 / 清静見如來 (Từ bi quan tự tại – Thanh tịnh kiến Như Lai). Trước ngai thờ có tượng (đất nung) Quan Thế Âm bồ tát và đến nay không còn được thờ. Qua tìm hiểu các tư liệu nhất là mô tả của tài Viện Viễn Đông Bác Cổ năm 1942 thì chủ thần là Tứ Vị Thánh Nương, không đề cập đến tượng thờ Quan Thế Âm và cặp câu đối liên quan đến Phật giáo. Năm 1953, đình làng có một đợt tu bổ quan trọng, có khả năng trang thờ, cặp câu đối liên quan đến Phật giáo được xây đắp bổ sung và tượng Quản Thế Âm cũng được đưa vào thờ bổ sung nhằm cầu mong sự bình an cho làng. Điều này cũng tạo nên một đặc trưng vì có phối thờ Phật, Thần tại án thờ quan trọng nhất trong một đình làng của Hội An. Bài vị Thổ địa, Thái giám Bạch mã, Bạch Thổ Kim Tinh thần cũng được bổ sung trong đợt này. 
Tháng 3/2020, việc bố trí thờ tự được thể hiện qua bảng Thống kê các vị được thờ dựa vào bài vị/tượng đối chiếu với mô tả của tài liệu Viện Viễn Đông Bác Cổ 1942: 
Năm 1981, miếu ba gian thờ Ngũ Hành, Thần Hoàng, Ba Bà (hạng mục được đánh dấu số VIII, IX, X trong bản vẽ nói trên bị cải tạo vào năm 1981) bị hạ giải để làm trường mẫu giáo nên người dân thỉnh bài vị Thành hoàng vào tròng đình để thờ. Bố trí thờ tự tại đình từ 1981 – 2020 như sau: Tại tầng 2 hậu tẩm, tại án thờ ở giữa đặt ngai thờ gỗ, trên đặt bài vị chạm trỗ chữa Hán là: Đại Càn Nam Quốc Gia Tứ Vị Thánh Nương. Án thờ phía Đông đặt ba bài vị ghi chữ  thờ 3 vị thần, (kể từ Tây sang Đông) bài vị bên trái ghi:  Bạch Thố Kim Tinh Thần Nữ Chi Linh Vị, bài vị ở giữa ghi: Sắc tứ Mỹ đức Thu Bồn nguyên bộ bộ Trung đẳng thần, bài vị bên phải ghi: Sắc tứ Tề Giang Phiếm Ái Nguyễn phu nhân Trung đẳng thần. Tại án thờ hậu tẩm (tầng trệt), có ba bài vị (ở giữa là bài vị: Thổ Địa, bài vị ở Tây là: Thành Hoàng, bài vị ở phía Đông là: Thái Giám Bạch Mã Thần Vị). 
Sau năm 2020, di tích đình Hội An được tu bổ và việc bố trí thờ tự được trên tư liệu thư tịch và tham vấn cộng đồng như sau: Tầng 2 hậu tẩm thờ Chủ thần của làng là Tứ vị Đại Càn thánh nương, tầng 1 hậu tẩm thờ Thái giám Bạch mã và Thổ địa Phước đức chính thần, ở miếu gian thuộc sân đình thờ:Thành hoàng làng được thờ tại gian giữa, gian bên trái thờ Ngũ Hành tiên nương và Bạch Thố Kim tinh, gian bên phải thờ Bô Bô Thu Bồn và Phiếm Ái Phu nhân. 
Tại Đình Ông Voi, vẫn diễn ra2 lễ cúng lớn hằng năm là tế xuân (mồng 10 tháng 3) và tế thu (mồng 10 tháng 8) , nếu đợt này cúng lớn vào mmồng 10 tháng 3 thì 3 năm sau cúng lớn vào 10 tháng 8 duy trì đáo lệ như vậy. Trong dịp cúng lớn này có đội gia lễ, nhạc lễ phục vụ lễ cúng  ngày rằm mồng 1 (al) người dân thường xuyên đến thắp hương.Trước năm 1945, vào lễ tế xuân tại đình làng có tổ chức thêm nghi thức chạy (tống) Long Chu trừ tà. Lễ cúng bà vào mùa xuân tổ chức 3 ngày (ngày đầu cúng chay, 2 ngày sau cúng mặn). Lễ vật đầy đủ gồm có heo quay, trâu bò, heo, hoa, quả, trầu, cau, rượu…. cúng tế rất trang nghiêm, có gia lễ và lễ nhạc. Tại đình còn có 2 lệ cúng hàng năm là lễ giỗ Bà vào ngày 18/2 âm lịch (có khả năng là vía Quan thế âm Bồ tát), lễ giỗ Cô vào 18/12 âm lịch (chúng tôi chưa xác định được là đối tượng tế chính, sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm trong thời gian tới). Ngày 20/2 âm lịch có diễn ra lễ cúng xóm. Lễ vật cúng và trình tự cúng theo nghi lễ truyền thống.
Một vài nhận xét:
- Tuy có sự biến động về không gian thờ tự nhưng đối tượng thờ tự phong phú, có thần tích rõ ràng và được thờ tập trung trong một khuôn viên đình, không có sự thay đổi lớn về đối tượng thờ tự. Chủ thần (không thay đổi tính từ 1942 đến nay) là Đại Càn Tứ vị Thánh nương. Chỉ có Quan Thế Âm Bồ Tát có thể được đưa vào thờ tại di tích từ sau 1942 và hiện nay không còn thờ. Liên quan đến Vị Quan Thế Âm Bồ Tát, trang thờ có cặp câu đối liên quan đến Phật giáo thì chúng tôi suy luận có thể trang thờ được làm trong đợt tu bổ 1953. 
- Các đối tượng thờ tự là Chủ thần Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương và Bô Bô Thu Bồn là các vị thần liên quan đến sông nước, thể hiện sông nước ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, đi lại, đánh bắt trên cảng, sông. 
- Xét về thứ bậc được sắc phong ở làng Hội An, ta thấy: Thượng đẳng thần có Thái giám Bạch Mã, Tứ Vị Đại Càn Nam Hải Thánh Nương, Ngũ Hành Tiên nương; Trung đẳng thần có Bổn Cảnh Thành Hoàng, Mỹ Đức Thu Bồn, Phiếm Ái Phu Nhân.
- Tính nữ trong tín ngưỡng ở làng là khá cao, trên 50% tổng số các vị, nhóm vị thần được thờ, 12/22 đạo sắc liên quan đến nữ thần. Đồng thời só sự kết nối giữa vùng miền văn hóa, giao thương thể hiện qua đối tượng thờ tự (Bà Phiếm Ái – thần nữ có liên quan đến Đại Lộc, Thăng Bình, Hội An, Bà Thu Bồn có sự liên quan đến các địa phương dọc lưu vực sông Thu Bồn). 
- Số lễ lệ của đình làng 1 năm cũng cao hơn so với các làng khách (5 lễ lệ), các làng khác thường chỉ cúng xuân, thu nhị kỳ và có nhiều sinh hoạt văn hóa liên quan.
* Tài liệu tham khảo:
1. Trần Văn An (1992): Lý lịch Di tích đình Ông Voi.
2. Nguyễn Cường (2020):  Báo cáo kết quả khảo sát hiện vật ở di tích đình Ông Voi, phường Minh An, thành phố Hội An. 
3. Lê Thị Nhọc Hương (2020): Báo cáo các loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác liên quan đến di tích đình Ông Voi. 
4. Lê Thị Lưu (2020): Kết quả sưu tầm tư liệu Hán Nôm liên quan đến di tích đình ông Voi (tập hợp tư liệu, lập danh mục thống kê, phiên âm và dịch nghĩa tư liệu …).
5. Nhóm nghiên cứu Hội An (2014), Di sản Hán Nôm Hội An, Tập 1 – Văn bia, Công ty CP In – PHS&TBTH Quảng Nam.
6. Trần Thanh Hoàng Phúc (2020): Báo cáo kết quả khảo sát hiện trạng kiến trúc đình Ông Voi, phường Minh An.
7. Trần Phương (2020): Báo cáo kết quả khảo sát hiện trạng trang trí thờ tự, kiến trúc đình Ông Voi. 
8. Phạm Phước Tịnh (2020): Kết quả sưu tầm tư liệu liên quan đến di tích đình ông Voi và làng Hội An (tư liệu thành văn, hình ảnh, sách, báo…)
9. Võ Hồng Việt (2020): Kết quả khảo sát, thu thập thông tin, về lịch sử di tích đình Ông Voi.
10. Trương Hoàng Vinh (2020): Báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát về đình Ông Voi và làng Hội An.
11. Viện Viễn Đông Bác Cổ (1942 - 1943): Điều tra các làng xã Quảng Nam (Quảng Nam xã chí), Bản gốc lưu trữ tại Viện Hán Nôm, bản sao lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An. 

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây