DI TÍCH NHÀ ĐỨC AN

* Địa chỉ: Số 129 đường Trần Phú, phường Minh An
Duc an

*Sự kiện lịch sử:
      Đây là ngôi nhà còn bảo lưu gần như nguyên vẹn kiểu dáng kiến trúc của một ngôi nhà cổ ở Hội An. Nơi đây còn là địa điểm ghi dấu những sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng không chỉ của Hội An mà còn của tỉnh Quảng Nam.
      Vào những năm đầu của thế kỷ XX, các phong trào yêu nước kháng Pháp diễn ra rộng khắp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung thì Hội An cũng là một trong những nơi của tỉnh Quảng Nam sớm hưởng ứng phong trào này. Vào thời gian đó, nhà Đức An trở thành nơi bán các loại sách văn thơ tiến bộ nhằm truyền bá chủ nghĩa yêu nước đến với các tầng lớp Nhân dân. Đầu năm 1927, khi chủ nghĩa Mác-Lênin được truyền bá rộng rãi vào Việt Nam thì các tổ chức Cộng sản đã ra đời, hoạt động và phát triển rộng khắp, trong đó có tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Hội VNCMTN).
nha duc an

      Tháng 10/1927, Hội VNCMTN ở Hội An được thành lập tại đây, gồm 3 đồng chí, do đồng chí Phan Thêm (tức Cao Hồng Lãnh) làm Bí thư. Nhà Đức An được Hội sử dụng làm trụ sở hoạt động, cất dấu các tài liệu bí mật. Tháng 3/1929, khi lực lượng quần chúng tham gia vào tổ chức Hội ngày càng đông, địa bàn hoạt động của Hội phát triển rộng khắp trên địa bàn Tỉnh thì Kỳ bộ Hội VNCMTN Trung kỳ quyết định thành lập Tỉnh bộ lâm thời Hội VNCMTN Quảng Nam tại Hội An. Sự kiện này cũng diễn ra tại ngôi nhà Đức An. Đầu năm 1930, phong trào cách mạng cả nước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sự lớn mạnh của các tổ chức Cộng sản đòi hỏi phải có một chính Đảng để lãnh đạo. Nhà Đức An là nơi bàn thảo để giải tán tổ chức Hội VNCMTN ở Hội An để tiến tới thành lập tổ chức Đảng Cộng sản tại Quảng Nam. Ngày 28/3/1930, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam được thành lập ở Hội An, nhà Đức An trở thành nơi liên lạc và tổ chức hội họp của Tỉnh ủy lâm thời Tỉnh. Từ những năm 1931 - 1934, thực dân Pháp và bọn tay sai ráo riết đàn áp và khủng bố các phong trào cách mạng ở khắp cả nước. Hoạt động của tổ chức Đảng ở Hội An lúc bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn.
      Năm 1934, địch lục soát và tìm thấy một số tài liệu tiếng nước ngoài tại đây. Địch kết tội chủ nhà (đồng chí Phan Thêm) làm Cộng sản và ra lệnh bắt giam, nhưng đồng chí đã trốn thoát, chúng đành kết án vắng mặt đồng chí 15 năm tù giam. Từ đó, nhà Đức An không còn sử dụng làm nơi liên lạc của tổ chức Đảng nữa.

Tác giả: Chi đoàn Di sản

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây