Theo truyền thuyết lễ Vu Lan của Phật giáo Bắc tông: Mục Kiền Liên trong quá khứ đã là một người con hiếu thảo, tôn trọng cha mẹ và những người xung quanh, luôn lễ phép và giúp đỡ các công việc nhà. Khi cha mẹ qua đời, Mục Kiền Liên xuất gia và trở thành đệ tử đầu tiên của đức Phật. Sử dụng tất cả thần phép, Mục Kiền Liên biết mẹ mình đang lâm vào kiếp ngạ quỷ – quá khứ bất kính với Tam bảo và làm nhiều việc sai trái. Mục Kiền Liên rất buồn, ngài dâng cho mẹ bát cơm đỡ đói nhưng cơm đưa vô miệng liền hóa thành than lửa. Mục Kiền Liên quay về tịnh xá để được giúp đỡ. Phật dạy, ngày 15/7 Âm lịch, lập đàn dâng cúng mười phương chư tăng, phát tâm cúng dường Tam bảo để lấy phước cho mẹ. Mục Kiền Liên nghe theo lời Phật và mẹ của ngài được sanh về cõi lành. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời, ai muốn báo hiếu với cha mẹ thì cũng theo cách này.
Theo quyển “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên, lễ Vu Lan du nhập vào Việt Nam rất sớm từ năm 1072, vua Lý Nhân Tông đã từng lập đàn cầu siêu cho cha mẹ. Qua thời gian, lễ Vu Lan không chỉ là ngày lễ dành riêng cho Phật tử mà trở thành ngày lễ báo hiếu của nhiều người dân Việt Nam. Với người Việt, “đạo hiếu” luôn đi đầu, nhắc nhớ con cháu về những công lao, những hy sinh to lớn của cha mẹ:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Trong lễ Vu Lan, người ta thường cài hoa hồng lên áo. Nghi thức này được khởi xướng từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tác giả của quyển sách “Hoa hồng cài áo”. Trong một lần đến Nhật Bản đúng vào Ngày của mẹ (Mother’s day – Ngày lễ truyền thống của nhiều nước Âu, Mỹ), thiền sư được một cô gái cài hoa hồng trắng lên áo mà không rõ lý do. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, ông đã chọn hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật.
Hoa hồng là hiểu tượng của tình yêu, sự cao quý. Cài hoa hồng lên áo, con cái nhớ về cha mẹ, thể hiện “đạo hiếu” mà con cái muốn gửi đến bậc sinh thành. Với ý nghĩa đó, nhiều người Việt đến ngày Vu Lan đều cài hoa hồng lên áo. Khi được cài hoa hồng đỏ, bạn phải biết trân trọng điều đó, chính là khẳng định “Tôi may mắn khi còn cả cha cả mẹ trên đời”, hoa hồng màu hồng sẽ dành cho những ai mất cha hoặc mẹ, nếu không may không còn ba mẹ trên đời thì bạn sẽ nhận hoa hồng trắng. Lễ Vu Lan, mùa báo hiếu tháng Bảy là dịp để chúng ta sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn, hãy dành những gì chân thành nhất để đối đãi, chăm sóc cha mẹ, khiến cha mẹ vui vẻ, an hưởng tuổi già.
Lễ Vu Lan ở Hội An hằng năm đều tổ chức nhiều hoạt động trở thành sự kiện văn hóa – du lịch cộng đồng thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Rằm tháng Bảy, phố cổ tắt đèn, cả không gian tràn ngập ánh đèn lồng và hoa đăng, mọi người tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như “phóng sinh – phóng đăng” cầu nguyện bình an, sức khỏe cho đấng sinh thành, diễu hành xe hoa trên đường phố, tặng quà cho các mẹ cao tuổi, mẹ Việt Nam Anh hùng, trò chuyện với những người con hiếu thảo tiêu biểu. Trong những ngày lễ Vu Lan, các chùa, tịnh xá trên địa bàn thành phố Hội An tổ chức các hoạt động thiện nguyện hướng đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức nghi thức cài hoa hồng lên áo, tổ chức các đêm văn nghệ “Ơn nghĩa sinh thành”.
Một mùa Vu Lan nữa lại về, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động, sự kiện đều tinh gọn hoặc không tổ chức, các chùa cũng hạn chế người làm lễ, viếng hương để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Hy vọng dịch bệnh sớm qua đi, phố cổ lại nhộn nhịp như mọi năm để du khách có những trải nghiệm, những ký ức đẹp trong mùa Vu Lan ở Hội An.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn