Nhà có hướng chính quay về hướng Bắc. Được kết cấu kiểu hình ống, gồm 2 tòa nhà liên thông với nhau bởi sân trời và nhà cầu nối. Mái lợp ngói âm dương. Nhà có chiều dài 39m, chiều ngang 7m. Tòa phía trước gồm hai nếp 78m2. Tường bao được xây bằng gạch, vữa vôi. Hệ khung chịu lực bằng gỗ, cột tròn, vì kèo và trính được chạy chỉ và chạm trổ bằng những đường nét mềm mại, tinh tế. Vì kèo nếp trước là kiểu vì kẻ suốt, nếp sau làm theo kiểu trính chồng trụ đội (vì thảo bạc). Nền lát gạch đỏ tư vuông lớn. Mặt tiền có 3 cửa, ra vào nhà bằng lối cửa giữa, hai bên là cửa ván xáng. Phía trên đà thượng của cửa ra vào đặt khám thờ Quan Công. Bên phải là bàn thờ Tổ Tiên Ông Bà. Gian bên trái có vách ngăn giữa nếp nhà trước và nếp nhà sau bằng ván gỗ. Đà dưới của vách ván được chạm trổ, tạo tác theo kiểu chân quỳ. Không gian nội thất trang trí bằng những hoành phi liễn đối với những nội dung chúc phúc, giáo huấn con cháu. Đặc biệt có câu đối do Cụ Trần Quý Cáp cho chữ với ngụ ý nhắn nhủ sâu xa về truyền thống văn hóa luôn được tô bồi, dâng hiến làm trụ cột cho đất nước :
“ Vân trình ngũ sắc văn minh thịnh;
Vạn tuế tam xuân khí tượng tân”
tạm dịch:
“Đám mây ngũ sắc xuất hiện thì nền văn minh thịnh”
Ngàn năm ba mùa xuân (1985-1987) hồ khí nghĩa hội vẫn còn hiện diện đến hôm nay.
Tháng 10.1927, tại chính căn nhà này, đồng chí Năm Thêm chủ trì cuộc họp thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hội An. Kể từ đây, phong trào cách mạng ở Hội An bước vào quỹ đạo do ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng cứu nước của Nguyễn Ái Quốc soi đường. Đầu năm 1930, Nhà Đức An là nơi bàn bạc việc tuyên truyền, rải truyền đơn, bàn thảo thành lập Đảng cộng sản Việt Nam tại Quảng Nam. Từ ngày 28.3.1930, Tỉnh ủy Đảng Cộng sản Việt Nam Quảng Nam được thành lập ở Hội An, Nhà Đức An tiếp tục trở thành nơi liên lạc và tổ chức hội họp của Đảng. Trong những năm 1931 - 1934, Thực dân Pháp và tay sai ráo riết đàn áp, khủng bố các phong trào cách mạng ở khắp ba kỳ, trong đó có Hội An. Hoạt động của Đảng ở Hội An gặp rất nhiều khó khăn nhưng Chi bộ Đảng tại Nhà Đức An với sự thông minh khéo léo vẫn nhiều lần qua mắt được kẻ thù. Năm 1934, do sự chỉ dẫn của mật thám, lính Pháp đã đến lục soát ngôi nhà này và tìm thấy một vài tài liệu tiếng nước ngoài. Vì không bắt được chủ nhà, tức đồng chí Phan Thêm, nên chúng kết án vắng mặt đồng chí Thêm 15 năm tù giam về tội làm cộng sản. Từ đó Nhà Đức An tạm đình chỉ làm nơi liên lạc của Đảng. Tuy nhiên, ngôi Nhà Đức An vẫn được ông Phan Nam (anh trai của đồng chí Phan Thêm) quản lý, tiếp tục sinh sống.
Nhà Đức An là di tích ghi dấu quá trình hoạt động của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hội An cũng như tỉnh Quảng Nam.
Nhà Đức An trong vai trò là chiếc nôi sản sinh ý chí cách mạng cùng hiện vật và hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Cao Hồng Lãnh từng gắn liền với những yếu nhân lịch sử đã hoặc chưa có điều kiện vinh danh được trưng bày tại đây, không những bổ sung nhiều vấn đề sinh động cho lịch sử cách mạng địa phương mà còn góp phần minh chứng thêm những sự kiện quan trọng cho cả lịch sử Cách mạng Việt Nam.
Nơi đây sản sinh nhân tài, ngược lại chính đồng chí Cao Hồng Lãnh tựa vào truyền thống của gia đình để đến với cách mạng ngay trong buổi đầu còn trứng nước, góp phần làm rạng danh Nhà Đức An và quê hương Hội An.
Giới thiệu về hiệu sách Đức An:
Từ cuối thế kỷ XIX, ngôi Nhà Đức An là nơi bán sách, chủ yếu là sách tiếng Hoa của tác giả Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu,... Trong thời gian này, các nhà yêu nước kháng Pháp như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp... thường lui tới để đặt mua những cuốn sách có nội dung tư tưởng tiến bộ. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, các phong trào yêu nước và kháng Pháp đã diễn ra rộng khắp tỉnh Quảng Nam và cả nước, Nhà Đức An tiếp tục trở thành nơi phổ biến sách báo văn thơ tiến bộ nhằm truyền bá chủ nghĩa yêu nước đến với các tầng lớp nhân dân, trí thức trong xã hội.
Giới thiệu về hiệu thuốc bắc Đức An:
Sau sự kiện chống thuế năm 1908, nhà Đức An chuyển sang bán thuốc Bắc hòa vào việc buôn bán tấp nập cùng nhiều hiệu thuốc Bắc ở Hội An song vẫn là điểm hẹn gặp gỡ của các chí sĩ yêu nước trong khu vực. Vào những năm 1925 - 1926, khi các phong trào yêu nước và kháng Pháp đã chuyển hướng tiến bộ hơn, nhà Đức An trở thành nơi gặp gỡ của những thanh niên và trí thức yêu nước. Những tác phẩm về dân chủ tư sản thế giới, các tác phẩm của Phan Châu Trinh về phong trào Duy Tân và các sách báo tiến bộ khác như: Báo “Chuông Rè”, “Đông Pháp thời báo”, “ Tân thế kỷ ”,“Nhân loại” và đặc biệt là báo “Việt Nam hồn” xuất bản tại Pháp cũng được cất giữ và lưu hành tại đây.
* Cuộc sống đời thường của Đ/c Cao Hồng Lãnh:
Phần trưng bày được bố trí tại gian nhà giữa với những hình ảnh về gia đình và cuộc sống thường ngày của đồng chí.
- Gia đình: trưng bày một số hình ảnh về gia đình, vợ, các con, các cháu của đồng chí .
- Những hình ảnh, hiện vật kỷ niệm của đ/c Cao Hồng Lãnh: trưng bày một số vật kỷ niệm trong cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như trong sinh hoạt thường ngày của đồng chí.
Nhà lưu niệm đồng chí Cao Hồng Lãnh là sự kết hợp độc đáo khi tái hiện lại không gian nhà cổ mang phong cách Việt, là nơi đồng chí Cao Hồng Lãnh sinh ra, lớn lên và đặt nền tảng đầu tiên cho những nhận thức về hoạt động cách mạng trong cuộc đời hoạt động của mình.