Đình Hội An, dân gian quen gọi là đình Ông Voi hay đình làng Hội, là điểm sinh hoạt cộng đồng, nơi hội họp, giải quyết mọi việc trong làng/xã Hội An, và là nơi thực hành tín ngưỡng dân gian quan trọng trong cộng đồng cư dân của làng. Đình Hội An được xây dựng vào thế kỷ XVIII, đến năm Thành Thái thứ 19 (1907), do ảnh hưởng mở đường (đường Lê Lợi hiện nay) nên đình được dời sang vị trí này. Năm 1942, phần tiền đường được xây thêm, hình thành bố cục ngôi đình cho đến nay.
Ngôi đình có quy mô lớn với mặt bằng kiểu chữ "Khẩu - 口”. Hệ thống cột ở mặt tiền chính điện, nhà đông nhà tây làm bằng đá nguyên khối được khắc chạm các cặp câu đối Hán Nôm. Các chi tiết kiến trúc được chạm trổ tỉ mỉ, sắc nét. Đặc biệt, hậu tẩm của đình được xây dựng với kết cấu hai tầng. Đây là kiểu hậu tẩm duy nhất ở Hội An và hiếm gặp ở nơi khác. Bố cục, kết cấu kiến trúc đình vừa mang yếu tố truyền thống đình làng người Việt vùng nông thôn, vừa có sắc thái kiến trúc phố thị gắn với hoạt động thương nghiệp - ngoại thương của cư dân làng Hội An.
Hệ thống thờ tự tại đình Hội An đặc sắc hơn so với các đình làng/xã khác. Đình thờ vị chủ thần Đại Càn và một số vị thần bảo hộ mang yếu tố sông nước để phù hộ cho cư dân liên quan đến ngư nghiệp và thương mại, thể hiện sự kết nối văn hoá giữa các vùng miền và ngành nghề.
Bên trong sân đình còn có một ngôi miếu ba gian thờ vị Thành Hoàng, Ba Bà, và các vị Ngũ Hành. Hai thiết chế tín ngưỡng đình và miếu xuất hiện trong cùng một khuôn viên là một đặc điểm rất hiếm gặp so với các nơi khác.
Với những nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích của chính quyền thành phố Hội An và sự chung tay của tập thể cộng đồng địa phương, đình Hội An đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào ngày 15/12/2021.