Vào khoảng cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, cùng trong đoàn người đi mở cõi, có những vị tiền nhân thuộc các tộc Nguyễn, Huỳnh, Phan, Trương từ Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ vào đến Hội An đã chọn đất Kim Bồng làm nơi lập làng, khai cơ. Về sau còn nhiều vị tiền nhân của các tộc Đỗ, Võ, Bùi, Lê, Phạm, Lưu, Khương... đến đây góp công xây dựng, phát triển làng Kim Bồng. Với sự cần cù, tài hoa của mình, các thế hệ cư dân Kim Bồng lập nên một vùng đất có cơ cấu kinh tế đa dạng bao gồm nông, ngư, thủ công mộc, nề, trồng dâu, dệt vải, nhuộm chàm, dệt chiếu, làm guốc, buôn ghe bầu, buôn nguồn, dịch vụ đường thủy… phát triển. Trong đó, nghề mộc Kim Bồng có sự phát triển mạnh mẽ với các ngành đóng ghe thuyền, ghe bàu, mộc mỹ nghệ, mộc gia dụng, mộc xây dựng nhà gỗ và nghề nề, đắp vẽ xây dựng phát triển. Có nhiều thợ mộc đã được triều đình nhà Nguyễn trưng dụng làm quan thợ, phong danh mục đồ, phong hàm bát, cửu phẩm. Hoạt động của nghề mộc, nề Kim Bồng đóng góp lớn vào sự hình thành các công trình kiến trúc gỗ trong Khu phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhân là di sản văn hóa thế giới và còn có địa bàn mở rộng thi công ở nhiều tỉnh thành của miền Trung và có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa, dân cư cao.
Về truyền thống văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, ở Kim Bồng có sự phát triển mạnh về Phật giáo, từ trước năm 1746, đã có hai chùa Hội Nguyên và Kim Bửu được tạo lập. Trước đây, ở làng Kim Bồng có đình Năm Căn, lăng Thành Hoàng, miếu thờ Thiện Nghệ Phổ, lăng Nghĩa Từ, lăng Bà xóm Hà Trung, nhà Hội Đông, nhà Hội Tây và khu Xã Tắc (1), miếu vạn Mành Cơm ở thôn Đông Vĩnh (hiện chỉ còn phần nền móng đá ong). Hiện nay, còn nhiều lăng miếu vẫn được bảo tồn gìn giữ là lăng Ông thờ Cao Cát Đại vương, Ngũ hành, Thủy Tinh thần nữ và Thủy Long Thánh nương; lăng Bà thờ Ngũ Hành tiên nương; miếu Hà Tân thờ Thần (chưa xác định rõ vị thần nào); miếu Trung Gian thờ Quan Thánh Đế Quân, phối thờ Thành Hoàng bổn xứ và Ngũ Hành tiên nương… Cùng với đó là nhà thờ Tứ tộc (Tiền hiền) và các nhà thờ của các tộc họ.
Đặc biệt, với truyền thống phát triển của nghề mộc, nề nên đến thế kỷ XIX cộng đồng thợ mộc nề đã xây dựng Đình Tiền hiền Kim Bồng để thờ các vị tiền hiền và tổ nghề mộc, nề của làng. Đình Tiền hiền Kim Bồng nằm cạnh chùa Kim Bửu, cách các nhà thờ tộc Phan Xuân, Huỳnh, Nguyễn, Trương trong bán kính khoảng 800m2. Đình Tiền hiền nằm quay về hướng Nam, phía trước sân có tam quan và 4 trụ biểu (cao 3,5m; rộng 4,5m). Bên trong tam quan là bức bình phong hình cuốn thư đắp vẽ hình con lân. Từ bình phong này đi vào di tích phải qua 1 khoảng sân rộng (6x10m), hai bên sân có 2 trụ cột cờ, nơi đây trong những ngày diễn ra lễ hội, người ta thường treo cờ đại. Đứng ngoài sân nhìn vào tổng thể công trình kiến trúc ta thấy đình có kết cấu theo kiểu “Tiền đình hậu tẩm” hai bên có nhà Đông, nhà Tây. Thực tế, nhà Đông và Tây là hai phần chái của nếp nhà chính nhưng do có lối cấu tạo đầu hồi phía trước ngang bằng với mái hiên tiền đình, tại hai đầu hồi này có trổ cửa trông giống như có nhà Đông, nhà Tây, nó vừa gắn liền vừa tách bạch hai chái với công trình chính. Hai chái này là nơi đặt chuông và trống của đình.
Toàn bộ nếp nhà chính gồm 3 gian, 2 lòng (lòng nhất, lòng nhì) và mái hiên. Hệ vì kèo có kiểu cột trốn kẻ chuyền và liên kết với xà thượng, xà hạ, xiên, cột cái (vuông), cột quân (tròn). Phần mái sau giáp lòng nhất, lòng nhì, có thêm hậu tẩm. Diện tích phần này chiều ngang được thu hẹp lại trong phạm vi gian giữa và kéo dài ra phía sau khoảng 230cm. Hậu tẩm có mái riêng bằng cách xây tường cao lên, gác đòn đông và đòn tay cho nên giữa nếp nhà chính và hậu tẩm có máng xối. Toàn bộ xe, trính (câu đầu), các cây xà, xiên cột trốn đều có bào xoi chỉ, trên các dầu dư, kẻ đều có chạm hình đầu rồng. Ngăn cách giữa phần hiên và nội thất công trình nơi thờ tự trang nghiêm là hệ thống cửa (gồm 3 bộ, mỗi bộ bốn cánh) thượng song hạ bản.
Phần thờ tự được bố trí như sau: chính giữa lòng nhất có đặt hương án bằng gỗ, cao khoảng 1,2m, được sơn son thếp vàng, trang chạm nổi, đục thủng tinh xảo các đồ án hoa, quả, chữ Thọ,... và có khắc dòng chữ Hán ghi niên đại tạo tác là năm 1827. Trên hương án đặt tượng Thành Hoàng. Hai bên hương án là hai hàng lỗ bộ sơn son thếp vàng (tượng này được chuyển từ miếu Thành Hoàng trước đây đã bị hư hại về đình). Phía sau hương án, có hai ban thờ Tiền hiền, Hậu hiền. Trên lối vào hậu tẩm có bức hoành bằng gỗ đề 3 chữ Hán: Thánh Tổ miếu. Hậu tẩm có án thờ vẽ hình rồng, hai bên tả hữu có hai án thờ bằng gỗ, dưới án vẽ hình phụng thờ các vị Tổ sư, tiên sư của nghề.
Toàn bộ nội thất có các bức hoành, liễn đối cổ gắn trên cột, xiên và những hương án chạm nổi sơn son thếp vàng góp phần minh chứng thêm lịch sử hình thành, trùng tu của ngôi miếu, tất cả tạo nên không gian nội thất ở đây vừa rực rỡ, vừa có cảm giác cổ kính, linh thiêng, ngưỡng mộ về tổ tiên. Trong đó, 2 bức hoành có niên đại thời Minh Mạng, 3 bức hoành thời Tự Đức, 2 bức hoành thời Thành Thái, 1 bức hoành thời Duy Tân, 3 tấm bia đá trên tường (1 bia thời Tự Đức, 2 bia ghi niên đại Long Phi Nhâm Thìn), 1 tấm hoành niên đại Duy Tân năm thứ 8 (1914). Tại di tích còn có xa cò ghi niên đại tạo lập đình tiền hiền là vào năm Tự Đức thứ 6 (1853) và dựa vào niên đại các bức hoành tại đình cho biết đình đã trùng tu qua các lần vào năm Duy Tân thứ 8 (1914), Bảo Đại (1941). Gần đây, đình được tu bổ trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX.
Hằng năm, vào ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch, tại đình Tiền hiền diễn ra lễ tế tổ nghề mộc và phối tế Thành Hoàng, Tiền hiền, âm linh. Vào ngày này các thợ mộc đi làm ở xa về quê ăn Tết cùng bà con ở làng Kim Bồng đều đến chung tay góp sức lo việc tế Tổ. Lễ vật thường có đầu heo, gà luộc (nguyên con, có chân gà). Lễ tế diễn ra theo nghi thức tế truyền thống: sơ á, chung hiến lễ, trong lễ tế có diễn ra tục lấy mực (đo gỗ) đầu năm của nghề mộc do những người thợ mộc có uy tín của làng thực hiện. Sau lễ cúng, người ta xem hình thế của chân gà để dự đoán sự cát hung của làng nghề trong năm mới. Đến với lễ tế Tổ nghề mộc, mọi người dân trong làng cũng như các thợ mộc Kim Bồng đều thể hiện lòng tri ấn công đức tổ nghề và tiền nhân cũng như cầu mong các vị thần linh, Tổ nghề, Thành Hoàng làng, Tiền hiền phù hộ cho thợ mộc và bà con của làng trong năm mới làm ăn được an toàn, phát đạt. Trước đây khoảng 40-50 năm trở về trước, trong những ngày trước và sau lễ tế Tổ, dân làng có mời đội hát bộ về biểu diễn để thưởng ngoạn.
Đình tiền hiền Kim Bồng có kiểu thức kiến trúc đặc trưng của một công trình tín ngưỡng làng xã truyền thống, được xây dựng, chạm trỗ khá công phu và được trang trí nhiều đồ án truyền thống và đặc biệt được xây dựng bởi bàn tay của những nghệ nhân làng mộc Kim Bồng cũng như minh chứng cụ thể cho truyền thống phát triển của một làng nghề trải qua hàng trăm năm. Đình Tiền hiền Kim Bồng đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh theo Quyết định số 132/QĐ – UBND ngày 10/01/2008 của UBND tỉnh Quảng Nam.
Ghi chú:
(1) Phạm Hữu Đăng Đạt (2002), Chuyện làng nghề đất Quảng, NXB Đà Nẵng, trang 128, 129, 130 “Chuyện kể rằng xưa làng Kim Bồng có ngôi đình rất to. Bề dài của đình khoảng bốn mươi thước Tây, còn bề ngang độ mười lăm thước Tây. Đình gồm năm gian hai chái, được xây dựng từ thời xa xưa, cách nay ít ra cũng đôi ba trăm năm. (…) Cũng theo các bô lão, ngoài ngôi đình bề thế, xung quanh đình còn có một quần thể kiến trúc như có lăng Nghĩa Từ, lăng Bà xóm Hà Trung, miếu thờ Thiện Nghệ Phổ, nhà Hội Đông, nhà Hội Tây và khu Xã Tắc. (…) Đáng tiếc là ngôi đình bề thế, năm gian hai chái nổi tiếng của làng Kim Bồng cùng những quần thể kiến trúc bao quanh đã bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp. Cho nên, những câu chuyện kể, bóng dáng của ngôi đình, của nhà Hội Đông, nhà Hội Tây, của khu Xã Tắc… chỉ còn đọng lại trong ký ức, trong tâm tưởng của lớp người cao tuổi mà thôi”.