Bảo tàng Hội Anhttp://hoianmuseum.com/uploads/logo-baotang.png
1. Lộ trình gắn kết di sản với học đường
2. Chương trình Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An
Từ năm 2014, Hội An phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển giáo dục thuộc Hội Di sản Việt Nam đã xây dựng Đề án “Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An”. Thiết kế tài liệu cho 3 cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Năm 2015, 2016 chúng tôi bắt đầu tập huấn và bắt tay vào biên soạn. Trong quá trình biên soạn, chúng tôi nghiên cứu kỹ về giá trị của từng loại hình di sản để có sự tích hợp phù hợp đối với chương trình giáo dục phổ thông. Đến 2021, tài liệu Giáo dục di sản trong học đường của cấp tiểu học đã hoàn thiện, đưa vào giảng dạy.
Tài liệu chuẩn bị cho mỗi lớp là 2 chủ đề, gồm có: tài liệu của giáo viên, tài liệu của học sinh, video clip và hoạt động trực quan với những trò chơi, câu hỏi đố vui trên nền công nghệ thông tin thiết kế đa dạng, sinh động.
Hội An có mười một loại hình di sản văn hoá vật thể và loại hình di sản văn hoá phi vật thể phong phú, đặc sắc riêng có. Một số loại hình diễn xướng dân gian đã được Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Trên cơ sở những loại hình di sản này, chúng tôi chọn lựa, biên soạn, biên tập bộ tài liệu Giáo dục di sản trong học đường. Việc chọn các chủ đề học tập cho mỗi khối lớp phải phù hợp với độ tuổi, loại hình di sản tại địa phương gắn với chương trình giáo dục ở nhà trường. Ví dụ: Đối với lớp một, chủ đề 1: Chùa Cầu ở Hội An, Chùa Cầu là di tích được cấp bằng công nhận cấp quốc gia đặc biệt, là biểu trưng của Hội An. Nên yêu cầu ngay từ lớp một các em phải biết đến di tích đặc trưng này; chủ đề 2: Đình ở Hội An, chủ đề này gắn với sách Tiếng Việt 1, bài 8 “D d Đ đ, bài 57 ‘anh ênh inh”, NXB Giáo dục Việt Nam; Tiếng Việt 2, chủ đề 4, bài 2 “Lời chào”, NXB Giáo dục Việt Nam, Bùi Mạnh Hùng (Tổng chủ biên) (2020); Tự nhiên xã hội 1, chủ đề 3 “ Cộng đồng đại phương”, bài 10 “Cùng khám phá quang cảnh xung quanh”, bài 12 “Vui đón Tết, NXB Giáo dục Việt Nam, Vũ Văn Hùng (Tổng chủ biên) (2020). Vì vậy, khi các em học xong chương trình phổ thông từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở, các em sẽ được hiểu cơ bản về di sản văn hoá Hội An.
Cấu trúc bộ tài liệu của giáo viên, gồm 4 phần. Đầu tiên là xác định mục tiêu về kiến thức. Học sinh phải nắm những vấn đề cơ bản của di tích như tên gọi, thời gian, vật liệu xây dựng, đặc điểm cấu tạo về kiến trúc, trang trí thờ tự, lễ hội, lễ lệ liên quan,… Thứ hai là định hướng phát triển năng lực chủ yếu như năng lực tự chủ, tự học; tự giao tiếp và hợp tác; phát triển năng lực giải quyết vấn đề và tính sáng tạo. Thứ ba là định hướng phát triển phẩm chất chủ yếu như: phẩm chất trách nhiệm, phẩm chất nhân ái, phẩm chất yêu quê hương đất nước.
Để đạt được mục tiêu trên, công tác chuẩn bị của giáo viên và học sinh cũng khá quan trọng. Giáo viên chuẩn bị theo chủ đề, gồm tranh, ảnh, video, phiếu học tập; các thông tin, tài liệu về di sản; liên hệ với địa phương, đơn vị, chủ di tích để đưa các em trải nghiệm thực tế. Đối với học sinh cần chuẩn bị: tự tìm hiểu những thông tin về chủ đề học tập và học cụ như giấy, bút, đất sét, đồ tái chế, sổ ghi chép,…
Tiến trình tổ chức giảng dạy gồm 3 bước: Bước1, hướng dẫn làm quen với chủ đề tại lớp; Bước 2, tham quan, trải nghiệm tại di tích, bảo tàng hoặc xem video và trải nghiệm tại lớp (trường hợp không có điều kiện đi trải nghiệm tại di tích, bảo tàng); Bước 3, củng cố kiến thức tại lớp.
Một nội dung không thể thiếu trong bộ tài liệu của giáo viên, đó là tài liệu tham khảo. Tài liệu tham khảo dành cho giáo viên gồm: bài thuyết minh về di sản; bộ câu hỏi gợi ý; một số hình ảnh về di sản; danh mục tài liệu tham khảo và hoạt động trực quan với những trò chơi, đố vui như hộp quả bí mật, rung chuông vàng, sơ đồ tư duy, kết nối hình ảnh,...
Trong một chủ đề gồm nhiều học liệu nhưng đảm bảo tính logic, hỗ trợ nhau để việc dạy và học về di sản đạt hiệu quả một cách tốt nhất.
3. Công tác triển khai chương trình giảng dạy về di sản
Để bộ tài liệu Giáo dục di sản trong học đường của cấp tiểu học đưa vào dạy ở 14/14 trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hội An như hiện nay, chúng tôi căn cứ vào nhu cầu của giáo dục phổ thông, tìm kiếm những điểm phù hợp từ nội dung giáo dục ở trường học và nội dung di sản. Đặc biệt, là những di tích, hiện vật bảo tàng, di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng và ấn tượng. Cán bộ Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An và Phòng Giáo dục -Đào tạo Thành phố đã kết nối, tích hợp, xây dựng thành một chương trình giáo dục di sản. Đây là hình thức giáo dục khác với học ở trường, giáo dục thông qua trải nghiệm, phát triển tri thức, kỹ năng và không liên quan đến thi cử, kiểm tra. Chúng tôi đã trải qua 24 cuộc họp, 47 lần biên tập, 04 lần dạy thử nghiệm, 04 lần tập huấn cho đội ngũ làm công tác di sản, cán bô quản lý và giáo viên đứng lớp giảng dạy. Nên người lớn được tiếp thu trước, cảm nhận sâu sắc về di sản văn hóa Hội An mới truyền tải cho học sinh. Hiện nay, chương trình Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An được đưa vào chương trình giảng dạy với tiết học giáo dục địa phương, tiết ngoài giờ lên lớp. Ngoài ra, giáo viên lồng ghép trong những tiết học về tiếng Việt, giáo dục công dân,…có liên quan theo tài liệu Giáo dục di sản trong học đường.
Qua mỗi học kỳ, hai đơn vị Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An và Phòng Giáo dục Đào tạo Thành phố có nhận xét đánh giá, góp ý để chương trình giáo dục di sản trong học đường ở Hội An phát huy hiệu quả một cách thiết thực.
4. Đôi lời nhận xét đánh giá chương trình Giáo dục di sản trong học đường của học sinh tiểu học ở Hội An
- Phương pháp tổ chức biên soạn: Huy động đội ngũ lãnh đạo và những người trực tiếp làm công tác giáo dục, truyền thông của Bảo tàng Hội An cùng lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Hội An và giáo viên phụ trách chuyên môn của trường điểm nghiên cứu biên soạn. Mỗi chủ đề trải qua nhiều cuộc họp góp ý, biên tập và dạy thử nghiệm. Bộ tài liệu hoàn thiện, triển khai cho tất cả giáo viên các khối lớp tiếp cận, trải nghiệm trước mới đến học sinh. Vì vậy, thông tin về di sản chính xác, cụ thể, gắn với loại hình di sản địa phương; Nội dung và hình thức trình bày phù hợp theo độ tuổi, đảm bảo về kiến thức, phát triển năng lực và phẩm chất chủ yếu đối với học sinh theo chương trình giáo dục; văn phong biên soạn, hướng dẫn giảng dạy đảm bảo phương pháp sư phạm.
- Xây dựng bộ tài liệu theo hướng mở: ứng dụng công nghệ thông tin trong việc biên soạn, giảng dạy, nên trong điều kiện học sinh không đến di sản vẫn học tại lớp, tại trường; Về hoạt động trải nghiệm tại thực địa, học sinh đến di sản ngay tại địa phương các em không nhất thiết phải đến Khu Phố cổ, ngoại trừ chủ đề về Chùa Cầu; Đối với bộ câu hỏi trong mỗi chủ đề mang tính gợi mở để giáo viên linh hoạt trong cách đặt câu hỏi với học sinh.
- Ngoài tài liệu của giáo viên, còn có tài liệu của học sinh để củng cố kiến thức với hình ảnh, màu sắc phong phú, cách đặt vấn đề đơn giản nhưng dẫn dắt các em dễ ôn lại kiến thức cơ bản, định hướng các em phát triển năng lực tự chủ, tự học; phát triển phẩm chất trách nhiệm, nhân ái,…. Video clip phần lớn chọn các em học sinh giới thiệu nên thể hiện tính đồng điệu, thân thiện. Hoạt động trực quan sử dụng phần mềm powerpoint, crossword,… nên giáo viên dễ dàng sử dụng và linh hoạt sáng tạo cho phù hợp với tiết học. Bằng những hình ảnh sinh động trực quan này, học sinh dễ hiểu, thu hút tinh thần học tập, khám phá của học sinh.
Đây là chương trình giáo dục di sản trong trường học thiết thực, giáo viên nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa của sử dụng di sản trong dạy học đối với việc hình thành các kỹ năng, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, góp phần phát triển năng lực của học sinh.
- Đối với học sinh, tỏ ra hào hứng, có ý thức tự giác, ham tìm hiểu và tích cực tham gia các hoạt động dạy học. Dạy học thông qua di sản giúp các em phát triển kỹ năng học tập, tự chiếm lĩnh kiến thức, kích thích nhận thức, phát triển trí tuệ và nhân cách của học sinh.
5. Bài học kinh nghiệm
+ Bài học về tầm nhìn chiến lược và phối hợp liên ngành:
Để đạt được kết quả như hôm nay, phải kể đến sự chỉ đạo, quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Thành phố Hội An trong công tác bảo tồn phát huy di sản văn hoá thế giới Hội An một cách bền vững với việc đưa di sản vào trong học đường; Được sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Phòng Giáo dục & Đào tạo Thành phố; Nhóm biên soạn của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An và chuyên viện Phòng Giáo dục – Đào tạo Thành phố và Ban Giám hiệu các trường cùng đội ngũ giáo giáo viên rất nhiệt huyết, tận tình trong việc hướng dẫn giảng dạy học sinh.
+ Bài học về nghiên cứu nhu cầu và khả năng giáo dục tích hợp:
Để có bộ tài liệu về di sản chất lượng, phù hợp đưa vào giảng dạy trong học đường, điều trước tiên phải xác định đối với giáo viên cần trang bị những gì? Đối với học sinh tiếp thu được gì qua tiết học về di sản? Với cán bộ di sản cần trang bị kiến thức, kỹ năng gì?
+ Bài học về nghiên cứu nhu cầu và khả năng giáo dục tích hợp:
- Đội ngũ biên soạn phải được tập huấn bài bản xác định mục tiêu rõ ràng, phù hợp với điều kiện của địa phương có di sản.
- Nội dung giới thiệu về bộ tài liệu là những loại hình di sản gắn với địa phương để học sinh thuận lợi trong việc tìm hiểu; Đội ngũ biên soạn nghiên cứu cẩn thận chương trình học phổ thông để cho ra sản phẩm mang tính thực tiễn. Cán bộ di sản luôn giữ mối quan hệ không chỉ với Phòng Giáo dục & Đào tạo mà sẵn sàng hỗ trợ những điều giáo viên cần để giáo viên giảng dạy về tiết học di sản một cách thuận lợi.
+ Bài học về phối hợp với các tổ chức phi chính phủ nghề nghiệp:
Đơn vị Hội An được Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc Hội Di sản văn hoá Việt Nam tư vấn ngay từ đầu cách tiếp cận giáo dục di sản gắn kết với trường học. Đó là phương pháp giáo dục dựa trên di sản, tích hợp và trải nghiệm. Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa cũng đã đồng hành với Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An trong các cuộc làm việc và bảo vệ đề án để thuyết phục sự quan tâm chỉ đạo của thành phố Hội An và sự tham gia của ngành Giáo dục địa phương. Sau khi đề án được phê duyệt Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản đã tập huấn hướng dẫn cán bộ giáo dục Hội An nghiên cứu xây dựng. Tiếp đến, Hội An nghiên cứu biên soạn tài liệu phù hợp với điều kiện ở Hội An.
+ Bài học về sự thích ứng tích hợp phương pháp giáo dục hiện đại:
Phương pháp biên soạn bằng nhiều hình thức: tài liệu giáo viên, tài liệu học sinh, hoạt động trực quan với những câu hỏi đố vui, trò chơi gắn với chủ đề học tập bằng công nghệ số, và tất cả đều cập nhật website. Đây là những điều kiện để giáo viên dễ tiếp cận, nghiên cứu, sáng tạo trong hướng dẫn học sinh tìm hiểu về di sản. Đối với những trường không có điều kiện đến di sản cũng dễ tìm hiểu và trải nghiệm tại lớp qua phương tiện công nghệ thông tin. Việc kết hợp nhiều phương pháp biên soạn tài liệu, phương tiện công nghệ truyền đạt, giảng dạy, học sinh sẽ tập trung cao, vui vẻ tìm hiểu, cảm nhận về di sản sâu sắc,… Từ đó, dần hình thành thái độ, ý thức ứng xử với di sản của cha ông để lại một cách tốt nhất
Kết luận
“Tài liệu Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An” mặc dù có nhiều khó khăn về tài chính, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực nhưng Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An và ngành giáo dục đã quyết tâm và thực hiện chương trình khá hiệu quả. Cán bộ Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An đã nghiên cứu rất kỹ tiềm năng giáo dục di sản. Năm 2016, bạn Chikara Wakako tình nguyện viên Nhật Bản làm việc tại Trung tâm đã phối hợp khảo sát giáo viên về những vấn đề liên quan đến di sản, trong đó có trên 70 % giáo viên chưa đến các bảo tàng ở Hội An. Vì vậy, qua chương trình này 100% giáo viên có thêm nhiều cơ hội tìm hiểu di sản để truyền tải cho thế hệ trẻ về kiến thức, lòng tự hào và tinh thần trách nhiệm đối với di sản. Đồng thời theo Điều 4, Công ước về việc bảo vệ di sản văn hóa và tư nhiên của thế giới (đã được thông qua tại kỳ họp thứ 17 của Đại hội đồngUNESCO tại Pari ngày 16/11/1972)… “…trách nhiệm đảm bảo của việc xác định bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và truyền lại cho các thế hệ tương lai di sản văn hóa và tự nhiên là trách nhiệm của mình…”
Những thành quả đạt được trong thời gian qua, bước đầu định hướng về công tác giáo dục di sản, việc ứng dụng công nghệ trong biên soạn, giảng dạy đã góp phần đổi mới trong công tác giáo dục bảo tàng. Trong bối cảnh hiện nay, đơn vị Hội An xác định phải luôn làm mới mình để hòa nhập và phát triển bền vững. Đầu tư hơn nữa về công tác giáo dục di sản trong học đường. Vì vậy, Hội An rất mong nhận được sự hỗ trợ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm từ nhiều đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước. Trong đó, có những chủ trương, chính sách phù hợp, nguồn ngân sách, sự đồng thuận của các cấp, các ngành, giữa nhà quản lý, nhà nghiên cứu và cộng đồng trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Hội An.